1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Sau "Bộ tứ Kim cương", Mỹ muốn "Bộ tứ Đại Tây Dương" kìm chân Trung Quốc

Đức Hoàng

(Dân trí) - Đức, Anh, Pháp và Mỹ được cho là đang bàn bạc về việc xây dựng một nhóm "Bộ tứ" xuyên Đại Tây Dương hướng tới cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc.

Sau Bộ tứ Kim cương, Mỹ muốn Bộ tứ Đại Tây Dương kìm chân Trung Quốc - 1

Thủ tướng Anh Boris Johnson, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bày tỏ sự ủng hộ với việc hợp tác xuyên Đại Tây Dương cùng Mỹ kìm chân Trung Quốc (Ảnh minh họa: Getty)

Nước Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump từng thúc đẩy tích cực việc xây dựng quan hệ quốc phòng thân thiết hơn với Ấn Độ, Nhật Bản và Australia - các thành viên trong "Bộ tứ Kim cương" nhằm xây dựng một mô hình tương tự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Sau tân Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức, ông đã phát tín hiệu rằng việc xây dựng "Bộ tứ Kim cương" là một trong số ít chính sách của chính quyền tiền nhiệm mà ông dự định sẽ tiếp tục duy trì.

Ngoài ra, ông Biden cũng tuyên bố rằng: "Liên minh xuyên Đại Tây Dương đã trở lại", đồng thời ám chỉ một hướng quan hệ quốc tế mới, theo đó Mỹ và các đồng minh châu Âu điều chỉnh các chính sách đối ngoại của họ để thích ứng với thực tế mới, bao gồm cả sự chuyển hướng về châu Á.

Vào ngày ông Joe Biden tham dự cuộc họp của các lãnh đạo G7 và Hội nghị An ninh Munich, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã nhắc đến "Bộ Tứ xuyên Đại Tây Dương" nhằm giải quyết những thách thức an ninh hiện tại.

Nhà lãnh đạo Anh cho biết ông tin rằng "Châu Âu ngày càng nhận ra sự cần thiết của việc hợp tác cùng những người bạn Mỹ của chúng ta để khám phá lại khả năng lãnh đạo có tầm nhìn xa, tinh thần phiêu lưu và đoàn kết xuyên Đại Tây Dương đã khiến hai lục địa của chúng ta trở nên vĩ đại ngay từ đầu".

Sự nhiệt tình của Anh trong việc đẩy mạnh quan hệ liên minh xuyên Đại Tây Dương phù hợp với định hướng của ông Biden và cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan.

Ông Sullivan đã khuyên ông Biden tạo ra "vị thế mạnh mẽ" bằng cách hợp tác với các đồng minh châu Âu để đối mặt với những thách thức do Trung Quốc và Nga đặt ra.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị Munich hôm 19/2, ông Biden cảnh báo các nền dân chủ phải chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh chiến lược lâu dài với Trung Quốc. Ông cho rằng việc Mỹ, châu Âu và châu Á hợp tác với nhau để đảm bảo hòa bình, bảo vệ các giá trị chung và thúc đẩy sự thịnh vượng ở hai bờ Thái Bình Dương sẽ trở nên quan trọng.

Thủ tướng Đức Angela Merkel nhận định trong những năm qua, Trung Quốc đã có thêm sức mạnh trên trường quốc tế và chúng ta - các đối tác xuyên Đại Tây Dương phải phản ứng lại với điều đó.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ủng hộ việc Mỹ quay trở lại con đường ngoại giao đa phương và cũng chia sẻ mối quan ngại về Trung Quốc.