Mỹ muốn biến “Bộ tứ kim cương” thành NATO tại Ấn Độ - Thái Bình Dương
(Dân trí) - Thứ trưởng ngoại giao Mỹ cho hay, Washington muốn thiết lập mô hình tương tự NATO với các quốc gia trong “Bộ tứ kim cương” để đối phó với thách thức từ Trung Quốc.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun ngày 31/8 cho biết Washington muốn xây dựng quan hệ quốc phòng thân thiết hơn tại Ấn Độ - Thái Bình Dương với Ấn Độ, Nhật Bản và Australia - các thành viên trong “Bộ tứ kim cương”. Cụ thể, ông Biegun nói rằng Mỹ muốn xây dựng một mô hình tương tự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Theo nhà ngoại giao Mỹ, mục tiêu của chính phủ nước này là muốn 4 nước trong bộ tứ và những quốc gia khác trong khu vực hợp tác nhằm đối phó với “thách thức tiềm tàng từ Trung Quốc” và tạo ra một mô hình xung quanh các giá trị và lợi ích được chia sẻ nhằm thu hút nhiều quốc gia ở khu vực và thậm chí trên thế giới để liên kết một cách có cấu trúc hơn.
“Khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương đang thiếu một cấu trúc đa phương mạnh mẽ”, ông Biegun nhận định Ông cũng nói Mỹ sẽ duy trì mong muốn tạo ra một mô hình như NATO ở Thái Bình Dương, nhấn mạnh điều này sẽ chỉ xảy ra nếu các nước khác có cam kết tương đồng với Mỹ.
Ông Biegun cũng tiết lộ 4 nước “Bộ tứ kim cương” dự kiến sẽ gặp nhau ở New Delhi, Ấn Độ vào mùa thu này, đồng thời cho hay Australia có thể tham gia cuộc diễn tập hải quân Malabar của Ấn Độ.
“Ấn Độ đã rõ ràng có ý định mời Australia tham gia diễn tập Malabar và đó sẽ là bước tiến to lớn nhằm đảm bảo tự do đi lại và an ninh của các vùng biển ở Ấn Độ - Thái Bình Dương”, ông Biegun nhấn mạnh.
Cuộc diễn tập chung Malabar thường diễn ra thường niên ở vịnh Bengal. Từ năm 2015, Nhật Bản đã cùng Mỹ và Ấn Độ tham gia diễn tập. Trung Quốc từng phản đối động thái của Nhật Bản, cảnh báo các quốc gia không “kích động sự đối đầu và tạo ra căng thẳng” trong khu vực.
Theo Bloomberg, Trung Quốc từ lâu đã không hài lòng với liên minh phi chính thức của 4 quốc gia trên. Nhóm này được thành lập vào năm 2004 để trợ giúp các quốc gia Ấn Độ - Thái Bình Dương sau thảm họa sóng thần. Tới năm 2017, “Bộ tứ kim cương” được cho đã bắt trỗi dậy trở lại.
Phát biểu của ông Biegun được đưa ra trong bối cảnh cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Donald Trump Robert O’Brien cuối tuần qua gọi yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là “nực cười”. Ông O’Brien cũng tiết lộ về các cuộc gặp giữa Mỹ và các nước “Bộ tứ kim cương” trong thời gian tới.