1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Sáng kiến "vành đai, con đường" của Trung Quốc gặp trắc trở trên thế giới

Đức Hoàng

(Dân trí) - Một số dự án thuộc sáng kiến "Một vành đai, một con đường" của Trung Quốc với tổng trị giá hơn 2,4 tỷ USD gặp phải trục trặc trên thế giới do đại dịch Covid-19 và vấn đề ngân sách.

Sáng kiến vành đai, con đường của Trung Quốc gặp trắc trở trên thế giới - 1

Dự án thủy điện Kunzvi  ở Zimbabwe thuộc thuộc sáng kiến "Một vành đai, một con đường" của Trung Quốc (Ảnh: SCMP)

Theo báo cáo của tổ chức Viện Phát triển Nước ngoài ODI (Anh), trong năm 2020 vừa qua, khoảng 15 dự án thuộc sáng kiến "Một vành đai, một con đường" trị giá hơn 2,4 tỷ USD gặp phải vấn đề, trong đó bao gồm dự án điện lực trị giá 680 triệu USD ở Zimbabwe. Theo ODI, con số trên có thể cao hơn vì một số dự án bị ảnh hưởng chưa được xác định giá trị.

Báo cáo của ODI cho thấy, Tập đoàn Bảo hiểm Tín dụng & Xuất khẩu Trung Quốc (Sinosure) dường như không hài lòng với việc Zimbabwe không trả 10 triệu USD tiền phí cam kết cho dự án đập thủy điện Kunzvi hợp tác với công ty thủy điện Sinohydro của Trung Quốc.

ODI cho biết trong năm qua các dự án ở Myanmar, Nigeria và Costa Rica bị ảnh hưởng do các nước này đóng cửa biên giới hoặc hạn chế đi lại để kiểm soát Covid-19. Ngoài lý do dịch bệnh, các dự án khác cũng gặp trở ngại do thiếu ngân sách hoặc các lý do khác.

Giám đốc phụ trách rủi ro toàn cầu và khả năng phục hồi của ODI Rebecca Nadin cho biết, một số dự án quy mô lớn ở Tanzania và Nigeria đã bị dừng hoặc bị hủy vì các lý do "truyền thống" như rủi ro chính trị, ví dụ như tham nhũng, bất ổn nội bộ.

"Rủi ro chính trị liên quan tới các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn có thể xảy ra với nhà đầu tư Trung Quốc", Nadin cho biết.

Ngoài ra, ODI cũng cho biết một số dự án đã bị chặn vì lý do an ninh quốc gia hoặc vì lý do địa chính trị ở các quốc gia có quan hệ căng thẳng với Trung Quốc như ở Australia, Ấn Độ, Romania.

Một số dự án bị đình chỉ, không mở rộng hoặc hủy bỏ do không đảm bảo các yêu cầu về môi trường và kỹ thuật có trong hợp đồng.

Liên quan tới việc liệu các dự án bị đình trệ có tiếp tục hoạt động hay không, nhà nghiên cứu của ODI Yue Cao cho biết, đại dịch sẽ làm tăng chi phí của các dự án đã được cấp vốn hoặc bắt đầu triển khai. Ông nhận định rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục tạo ra các chính sách nhằm hỗ trợ để tham vọng của nước này được tiếp tục thực hiện.

Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo Covid-19 sẽ khiến nhiều quốc gia suy nghĩ lại về các dự án hợp tác với Trung Quốc do điều kiện kinh tế vĩ mô bị ảnh hưởng bởi dịch.