Trung Quốc có thể “vũ khí hóa” sáng kiến “Vành đai con đường”
(Dân trí) - Giới chuyên gia cảnh báo Trung Quốc có thể “quân sự hóa” một số dự án thuộc sáng kiến “Vành đai con đường” của nước này xây dựng tại các quốc gia nước ngoài.
SCMP ngày 12/9 đưa tin, trong báo cáo công bố hồi tuần này, Viện Chính sách Xã hội châu Á (ASPI) có trụ sở ở Mỹ cảnh báo về viễn cảnh Trung Quốc có thể “vũ khí hóa” các dự án thuộc “Vành đai con đường”. ASPI giải thích rằng một số công trình nằm trong sáng kiến trên có khả năng vừa được sử dụng cho mục đích quân sự và cả mục đích dân sự.
Theo ASPI, Trung Quốc được cho đã tạo ra một mô hình xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng đa chức năng mà Bắc Kinh gọi là “các điểm mạnh chiến lược” tại các quốc gia như Sri Lanka, Pakistan, Myanmar và Campuchia.
ASPI đặt ra giả thuyết rằng Trung Quốc dường như có mục tiêu tạo ra “một hệ sinh thái kết hợp giữa thương mại, công nghệ, tài chính và các điểm mạnh chiến lược” nhằm phục vụ lợi ích của Bắc Kinh. Ngoài ra, bản báo cáo cảnh báo tham vọng trên có thể mở đường cho việc Trung Quốc sử dụng các dự án quân sự nhằm làm suy yếu “tầm ảnh hưởng và vai trò của Mỹ” tại Ấn Độ - Thái Bình Dương.
ASPI lấy ví dụ về việc Trung Quốc xây dựng các cảng thương mại đạt tiêu chuẩn để phục vụ các hoạt động quốc phòng và xuất khẩu hệ thống định vị nội địa BeiDou do Bắc Kinh phát triển, cũng như đẩy mạnh các hoạt động diễn tập quân sự và buôn bán vũ khí với các quốc gia thuộc sáng kiến “Vành đai con đường”.
ASPI liệt kê một số cảng như Gwadar của Pakistan, Koh Kong của Campuchia, Hambantota của Sri Lanka và Kyaukphyu của Myanmar. Bản báo cáo đặt nghi vấn đây là các địa điểm Trung Quốc có thể sử dụng để phục vụ nhu cầu của quân đội Bắc Kinh.
ASPI cho rằng các cảng nói trên được thiết kế như một điểm hỗ trợ hậu cần quân sự và thương mại hỗn hợp và có thể được sử dụng làm điểm tiếp tế nhằm hỗ trợ các lực lượng trên biển.
Tổ chức Mỹ cảnh báo một số dự án “Vành đai con đường” không chỉ làm gia tăng sự phụ thuộc kinh tế của quốc gia chủ nhà vào Trung Quốc, mà còn khiến họ thêm phụ thuộc vào công nghệ của Bắc Kinh.