1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Rời Trung Quốc do chiến tranh thương mại, doanh nghiệp “để mắt” Đông Nam Á

(Dân trí) - Cuộc chiến thương mại ngày càng leo thang giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới buộc các công ty bị mắc kẹt trong tình thế này phải đẩy nhanh kế hoạch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc và chuyển tới Đông Nam Á.


Công nhân làm việc tại nhà máy ở Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)

Công nhân làm việc tại nhà máy ở Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)

Gerry Keefe, giám đốc khối ngân hàng châu Á - Thái Bình Dương thuộc tập đoàn tài chính Citigroup, nhận định căng thẳng thương mại ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc đã buộc các công ty phải lên kế hoạch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc tới các khu vực khác ở châu Á. Xu hướng này đã diễn ra trong vài năm qua khi giá nhân công tại Trung Quốc tăng lên.

Theo ông Keefe, hoạt động của các nhà máy sản xuất đang nở rộ tại các quốc gia ASEAN và quyết định phát triển tại thị trường Đông Nam Á được đưa ra ở cấp độ quản trị. Đối với nhiều công ty, đây là những quyết định mang ý nghĩa quan trọng.

“Đây là những quyết định lớn, mang tính chiến lược và dài hạn mà các công ty cần xem xét”, Gerry Keffe nhận định.

Mỹ đã áp thuế đối với khoảng 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc khi nước này đang tìm cách giảm thâm hụt thương mại với Bắc Kinh và buộc quốc gia Đông Bắc Á phải dừng các hành vi thương mại không công bằng. Một trong số các hành vi của Trung Quốc vấp phải sự phản đối của Mỹ là việc Bắc Kinh yêu cầu các công ty Mỹ phải chia sẻ công nghệ nếu muốn đầu tư vào Trung Quốc. Phía Trung Quốc cũng đã có những biện pháp đáp trả Mỹ về thương mại.

Hai cuộc khảo sát riêng rẽ do Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc và Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc thực hiện hồi tháng 9 cho thấy các lệnh áp thuế trừng phạt trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã khiến chi phí sản xuất tăng cao hơn và làm giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp đang hoạt động tại Trung Quốc. Nhiều doanh nghiệp đã cân nhắc rời địa bàn hoạt động sang Đông Nam Á.

Mặc dù hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp đang phát triển tại ASEAN, song việc chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc ngay lập tức là điều khó khăn vì các doanh nghiệp cần mất nhiều năm để có thể xây dựng lại chuỗi cung ứng tương tự như chuỗi cung ứng đang được triển khai tại Trung Quốc.

“Việc này không thể diễn ra nhanh chóng được. Sẽ cần có thêm thời gian”, ông Keefe nói.

Cũng theo ông Keefe, các công ty “trong hầu hết trường hợp” sẽ tạm thời duy trì hoạt động tại Trung Quốc trước khi có kế hoạch chuyển tới địa bàn hoạt động mới.

“Họ có mối quan hệ tốt với các nhà cung ứng Trung Quốc, các công ty Trung Quốc, các khách hàng và chính phủ Trung Quốc. Điều quan trọng với họ là một thế hệ người Trung Quốc nữa sẽ xuất hiện. Trung Quốc không đi đâu cả. Đây vẫn là một thị trường khổng lồ”, ông Keefe nói thêm.

Trong khi đó, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng tại châu Á hiện vẫn chưa đạt đến cấp độ mà các công ty hy vọng có thể thay thế các khách hàng châu Mỹ bằng các khách hàng châu Á.

“20 năm qua là khoảng thời gian rất tốt đối với thị trường châu Á đang trỗi dậy và đã tạo ra các thế hệ người tiêu dùng mới, những người sẵn sàng và đủ khả năng mua những gì Trung Quốc bán. Dân số đông đúc, song sức mua (tại châu Á) vẫn chưa thể đạt được như những gì các nền kinh tế thị trường phát triển đã làm được. Do vậy, tôi nghĩ vẫn còn hạn chế trong việc đưa châu Á thay thế Mỹ hoặc các khu vực khác ở châu Âu”, ông Keefe nhận định.

Thành Đạt

Theo SCMP