1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ buộc tội công ty Trung Quốc đánh cắp bí mật thương mại

(Dân trí) - Bộ Tư pháp Mỹ đã buộc tội các công ty ở Trung Quốc đại lục và Đài Loan vì hành vi đánh cắp các bí mật thương mại từ một công ty bán dẫn của Mỹ.


Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình. (Ảnh: AFP)

Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình. (Ảnh: AFP)

Bộ Tư pháp Mỹ đã buộc tội công ty vi mạch Fujian Jinhua thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc cùng đối tác của công ty này là công ty United Microelectronics của Đài Loan và 3 cá nhân vì hành vi đánh cắp bí mật thương mại từ Micron Technology - công ty sản xuất chip lớn nhất của Mỹ. Theo cáo trạng, những bí mật thương mại bị đánh cắp được định giá khoảng 8,75 tỷ USD.

Những cáo buộc trên được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Donald Trump đang nỗ lực đối phó với mối đe dọa từ gián điệp công nghệ và kinh tế của Trung Quốc. Bộ Thương mại Mỹ ngày 29/11 thông báo đã ngăn không cho phép công ty Jinhua của Trung Quốc mua các linh kiện của Mỹ vì điều này sẽ gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia của Mỹ.

Hồi tháng 4, chính phủ Mỹ cũng có những động thái tương tự khi cấm bán linh kiện của Mỹ cho nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc ZTE. Lệnh trừng phạt này đã khiến ZTE phải dừng phần lớn hoạt động sản xuất trong vài tuần. Sau khi ZTE nộp phạt 1,4 tỷ USD, Mỹ đã dỡ bỏ lệnh cấm với công ty Trung Quốc.

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions ngày 1/11 đã chỉ trích Trung Quốc vì vi phạm một thỏa thuận giữa hai nước từ thời cựu Tổng thống Barack Obama, trong đó cả hai nước đã nhất trí không ủng hộ các cuộc tấn công mạng để đánh cắp bí mật của các công ty.

“Hoạt động gián điệp kinh tế của Trung Quốc nhằm vào Mỹ ngày càng tăng lên và đang gia tăng nhanh chóng. Như vậy là đủ rồi. Chúng tôi sẽ không chấp nhận như vậy nữa. Bộ Tư pháp Mỹ sẽ xử lý đến cùng các vụ đánh cắp bí mật thương mại và xây dựng chiến lược để phát hiện những nhà nghiên cứu hoặc các nhân viên công nghiệp quốc phòng bị các điệp viên Trung Quốc thu nạp để chuyển công nghệ (của Mỹ) cho Trung Quốc”, ông Sessions nói.

Lãnh đạo Mỹ - Trung điện đàm

Tổng thống Donald Trump ngày 1/11 cho biết ông đã có cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để thảo luận về các vấn đề song phương.

“Vừa có cuộc trò chuyện dài và rất tích cực với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Chúng tôi đã trao đổi về nhiều chủ đề, với trọng tâm nhấn mạnh vào quan hệ thương mại. Những cuộc thảo luận này đang diễn ra tốt đẹp cùng với các cuộc họp dự kiến được tổ chức tại hội nghị G-20 ở Argentina. Chúng tôi cũng có cuộc trao đổi rất tốt về Triều Tiên”, Tổng thống Trump viết trên Twitter.

Trong bài phát biểu được phát trên truyền hình nhà nước Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình hy vọng Mỹ và Trung Quốc có thể thúc đẩy mối quan hệ ổn định và tốt đẹp, đồng thời cho biết ông sẵn sàng gặp Tổng thống Trump tại Argentina.

“Trước đây, Trung Quốc và Mỹ từng có những bất đồng về thương mại và điều này đã có tác động tiêu cực tới các ngành công nghiệp của cả hai quốc gia cũng như thương mại toàn cầu. Trung Quốc không muốn nhìn thấy điều đó. Trung Quốc và Mỹ từng có tiền lệ giải quyết các vấn đề kinh tế và thương mại khó khăn thông qua đối thoại. Các nhóm kinh tế của cả hai nước đang đẩy mạnh trao đổi và hợp tác trong các vấn đề cùng quan tâm để thúc đẩy một đề xuất có thể chấp nhận được cho cả hai bên”, ông Tập Cận Bình nói.

Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ngày càng căng thẳng, nhiều người đã đặt hy vọng vào cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới. Đây được xem là cơ hội để hai nhà lãnh đạo tìm ra tiếng nói chung trong vấn đề thương mại.

Thành Đạt

Theo RT, SCMP