Cuộc họp hé lộ chiến lược đối phó chiến tranh thương mại của Trung Quốc
(Dân trí) - Danh sách các khách mời gồm các doanh nghiệp tư nhân tham dự buổi tọa đàm đặc biệt do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tổ chức trong tuần này đã hé lộ những ưu tiên của nhà lãnh đạo Trung Quốc trong bối cảnh cuộc chiến thương mại với Mỹ ngày càng căng thẳng.
Theo danh sách khách mời đầy đủ mà báo SCMP có được, tổng cộng 52 doanh nghiệp tư nhân đã được mời tới dự buổi tọa đàm đặc biệt do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tổ chức hôm 1/11. Buổi tọa đàm cũng có sự tham gia của 13 bộ trưởng chính phủ Trung Quốc.
Đây là lần đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2013, ông Tập Cận Bình triệu tập các nhà hoạch định chính sách kinh tế cấp cao của ông và cộng đồng doanh nghiệp tư nhân cùng tới dự một buổi tọa đàm.
Các doanh nghiệp được mời lần này không phải là những “ông lớn” siêu giàu của Trung Quốc, mặc dù cũng có một số cái tên doanh nhân nổi bật như Pony Ma của hãng công nghệ Tecent, Robin Li của hãng “Google Trung Quốc” Baidu và Lei Jun của hãng điện thoại Xiaomi.
Cả 10 doanh nhân trong khối doanh nghiệp tư nhân được chọn để phát biểu tại buổi tọa đàm đều là những chủ doanh nghiệp được ít người biết đến. Tuy nhiên, tất cả các doanh nghiệp tham gia tọa đàm đều có một điểm chung, đó là họ có những kỹ năng được cho là quan trọng đối với Trung Quốc, hoặc họ đang phát triển công nghệ có thể tạo sự khác biệt trong tương lai với Bắc Kinh.
Theo một quan chức chính phủ Trung Quốc tham gia vào việc hoàn thiện danh sách khách mời, Chủ tịch Tập Cận Bình nói ông không muốn nghe quan điểm của “các doanh nghiệp ngôi sao”, thay vào đó ông muốn tiếp nhận ý kiến của những chủ doanh nghiệp đang kiểm soát một thị phần đáng kể trong nền kinh tế Trung Quốc, và sự thành công hay thất bại của họ có thể đóng vai trò quan trọng cho nền kinh tế Trung Quốc.
Một chi tiết đáng chú ý nữa trong danh sách khách mời dự tọa đàm lần này là không có các doanh nghiệp phát triển bất động sản hay đầu tư tài chính.
Các khách mời phát biểu tại tọa đàm gồm giám đốc điều hành của những doanh nghiệp sản xuất thành công và có tiếng tăm tại Trung Quốc như Liu Jiren, chủ tịch Neusoft - một nhà cung cấp dịch vụ kỹ thuật phần mềm; Lu Weiding - giám đốc điều hành của hãng sản xuất linh kiện ô tô Wanxiang.
Các khách mời khác là lãnh đạo của những doanh nghiệp từ khối công nghệ cao như Tang Xiao’ou - nhà sáng lập công ty trí tuệ nhân tạo hàng đầu Trung Quốc SenseTime, Tan Jiangfeng - chủ tịch công ty công nghệ mã hóa PeopleNet.
“Danh sách này cho thấy chính quyền (Trung Quốc) vẫn quan tâm nhiều tới các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa cũng như khối ngành công nghệ”, nhà kinh tế trưởng của công ty chứng khoán Trung Quốc Orient Securitites Shao Yu nhận định.
Theo nhà kinh tế học Shao Yu, danh sách khách mời cho thấy Trung Quốc đang nỗ lực để phát triển các công nghệ của riêng nước này nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào các sản phẩm nhập khẩu trong bối cảnh Trung Quốc đang phải đối mặt với cuộc chiến thương mại và những lời đe dọa liên tiếp của Mỹ về việc ngăn chặn các nhà cung cấp công nghệ cao tiếp cận với Bắc Kinh.
Theo truyền hình nhà nước Trung Quốc, đại diện của các công ty công nghệ cao, trong đó có Chen Tianshi từ công ty công nghệ Cambricon - một doanh nghiệp về trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc, ngồi ở hàng ghế đầu tiên ngay cạnh ông Tập.
Trước ngày tổ chức tọa đàm, Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc, cơ quan ra quyết định cao nhất do Chủ tịch Tập Cận Bình dẫn dắt, đã nêu rõ rằng Trung Quốc phải phát triển, quản lý và sử dụng trí tuệ nhân tạo để đảm bảo tương lai của nước này trong cuộc cách mạng công nghiệp và công nghệ sắp tới.
Chiến lược phát triển doanh nghiệp tư nhân
Chủ tịch Tập Cận Bình nói chuyện với đại diện các doanh nghiệp dự tọa đàm. (Ảnh: CCTV)
Trong bài phát biểu tại tọa đàm, Chủ tịch Tập Cận Bình đã dành lời khen cho các công ty tư nhân Trung Quốc và cam kết sẽ bảo vệ họ, đồng thời cung cấp viện trợ nếu cần thiết. Tại tọa đàm, Chủ tịch Tập Cận Bình đã bắt tay với đại diện của các doanh nghiệp, trong đó có người nói với nhà lãnh đạo Trung Quốc rằng bài phát biểu của ông đã khiến họ cảm thấy tự tin hơn.
“Tôi có mặt ở đây hôm nay để thúc đẩy sự tự tin của các bạn”, ông Tập nói.
Chủ tịch Tập Cận Bình gần đây đã tìm cách trấn an nhiều chủ doanh nghiệp - những người đang lo lắng vê tương lai kinh tế của Trung Quốc cũng như việc nước này ngày càng dễ bị can thiệp từ bên ngoài. Trong bức thư được gửi đi cách đây 2 tuần, ông Tập nói với các doanh nghiệp tư nhân rằng ông sẽ tiếp tục đánh giá cao và bảo vệ họ.
Khối doanh nghiệp tư nhân hiện đóng góp 60% vào GDP của Trung Quốc và 80% vào thị trường việc làm của nước này. Tuy vậy, khối doanh nghiệp tư nhân cũng đang phải hứng chịu tác động từ nền kinh tế bị sụt giảm và nhiều chủ doanh nghiệp cảm thấy bất an khi đối mặt với những cường quốc như Mỹ.
Theo ông Tập, nền kinh tế tư nhân đã đóng góp lớn cho sự phát triển thần kỳ về kinh tế của Trung Quốc và chính sách của Bắc Kinh về việc ủng hộ, dẫn dắt và khuyến khích kinh tế tư nhân vẫn không thay đổi. Ông Tập cho biết kế hoạch hỗ trợ khối kinh tế tư nhân sẽ bao gồm việc cắt giảm đáng kể thuế quan cho khối sau khi các chủ doanh nghiệp trong khối thường than phiền về chính sách thuế siết chặt của Bắc Kinh.
Ngoài ra, Chủ tịch Tập cũng tuyên bố các ngân hàng được khuyến khích cho khối doanh nghiệp tư nhân vay nhiều hơn, đồng thời chỉ đạo các chính quyền địa phương “giải cứu” các doanh nghiệp tư nhân đang gặp rắc rối. Các chính quyền cấp tỉnh và thị xã được đề nghị nâng mức ngân quỹ để giúp các doanh nghiệp tư nhân trong trường hợp cần thiết. Trung Quốc trước đây thường rót tiền giải cứu các doanh nghiệp vốn sở hữu nhà nước gặp rắc rối và hiếm khi giúp đỡ các công ty tư nhân như hiện nay.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc đã hứa hẹn với các doanh nghiệp tư nhân về việc tiếp cận thị trường tự do và đối xử công bằng với họ để phản bác các ý kiến cho rằng chính quyền Trung Quốc chỉ ủng hộ các doanh nghiệp nhà nước. Ông Tập Cận Bình cũng yêu cầu các chính quyền địa phương dành thêm thời gian cho các lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân để thường xuyên lắng nghe tâm tư nguyện vọng của họ.
Giới phân tích cho rằng những lời hứa hẹn của Chủ tịch Tập Cận Bình dành cho khối tư nhân đã phản ánh động lực của Trung Quốc trong việc ổn định nền kinh tế khi Bắc Kinh đang phải đối mặt với sức ép ngày càng tăng từ bên ngoài.
Thành Đạt
Theo SCMP