1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Trung Quốc hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại với Mỹ?

(Dân trí) - Cuộc chiến thương mại với Mỹ đã giúp Trung Quốc giảm bớt sự phụ thuộc vào hàng xuất khẩu, đồng thời tái cân bằng nền kinh tế và đây được xem là những tác động tích cực đối với quốc gia Đông Bắc Á.


Chủ tịch Tập Cận Bình đón Tổng thống Donald Trump tại Bắc Kinh năm 2017. (Ảnh: Reuters)

Chủ tịch Tập Cận Bình đón Tổng thống Donald Trump tại Bắc Kinh năm 2017. (Ảnh: Reuters)

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngày càng có xu hướng leo thang nhanh chóng sau khi được phát động bởi Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi đầu năm nay. Chính quyền Tổng thống Trump đã áp thuế bổ sung 25% đối với 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và 10% đối với 200 tỷ USD hàng hóa tiếp theo. Trung Quốc cũng ngay lập tức có động thái đáp trả bằng việc áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.

Trừ khi Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình có thể đạt được một thỏa thuận tại cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới Buenos Aires, Argentina, cuộc chiến thương mại căng thẳng giữa hai nước có thể ngày càng diễn biến xấu đi. Tuy vậy, theo Nikkei, đây là tin tốt với Trung Quốc hơn là với Mỹ.

Cho đến nay, Trung Quốc dường như vẫn không chịu thua kém trước sức ép của Mỹ. Mặc dù đã thực hiện các biện pháp đáp trả Washington, song Bắc Kinh luôn giữ cho các hành động của mình ở mức độ phù hợp nhằm tránh đẩy căng thẳng leo thang quá mức. Tuy vậy, hiện chưa có lý do nào cho thấy chính quyền Trump sẽ đảo ngược quyết tâm áp thuế sau khi dọa sẽ đánh thuế đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Rốt cuộc, Tổng thống Trump luôn tin rằng một đất nước phải gánh chịu thâm hụt thương mại song phương chắc chắn do nước đó đang bị đối tác lợi dụng.

Thực tế cho thấy dù Mỹ phải gánh chịu bất kỳ chi phí nào từ hoạt động thương mại với Trung Quốc, những lợi ích mà Washington nhận được vẫn vượt trội hơn so với những chi phí này. Trước hết, nhờ nhập khẩu hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc, người tiêu dùng Mỹ đã trả giá thấp hơn cho hàng loạt mặt hàng, từ giày dép cho tới hàng điện tử.

Hơn nữa, Mỹ đang gánh thâm hụt tài khoản vãng lai lớn, đồng nghĩa với việc nước này đang vay mượn từ các đối tác nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, nhiều hơn là cho vay. Nếu không có dòng chảy vốn từ Trung Quốc, Bộ Tài chính Mỹ sẽ đối mặt với mức lãi suất cao hơn.

Một điều không thể phủ nhận là thâm hụt thương mại với Trung Quốc đã lấy đi việc làm của người Mỹ. Tuy nhiên thường chỉ những công việc trả lương thấp mới bị mất đi và sau đó được bù đắp bởi những công việc mới trong các lĩnh vực khác.

Theo báo cáo năm 2006 của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung, khoảng 500.000 việc làm trong lĩnh vực sản xuất bị mất đi trong 4 năm liên tiếp đã được thay thế bằng số lượng việc làm mới tương đương trong lĩnh vực dịch vụ. Câu hỏi quan trọng được đặt ra là liệu Mỹ có đủ khả năng nâng cấp cơ cấu nền kinh tế và bảo đảm sự phân phối lợi ích từ thương mại quốc tế một cách công bằng hơn trong nước.

Mặt trái của thặng dư thương mại


Hàng hóa Mỹ được bán trong siêu thị ở Trung Quốc (Ảnh: SCMP)

Hàng hóa Mỹ được bán trong siêu thị ở Trung Quốc (Ảnh: SCMP)

Việc tính toán lợi ích chi phí đã giải thích cho việc các chính quyền Mỹ vẫn luôn vui vẻ khi duy trì thâm hụt thương mại với Trung Quốc. Chính quyền Trung Quốc nhìn chung cũng thoải mái với việc này, mặc dù một số nhà kinh tế học Trung Quốc từ lâu đã cảnh báo rằng thặng dư thương mại với Mỹ không mang lại lợi ích lâu dài cho Bắc Kinh. Điều này xuất phát từ một số lý do:

Thứ nhất, thặng dư thương mại với Mỹ có khả năng làm gia tăng dự trữ ngoại hối của Trung Quốc. Theo nhà kinh tế Rudi Dornbusch, việc người dân ở những nước nghèo đầu tư nguồn lực trong nước theo hướng nâng cao sản xuất và tiêu chuẩn sống thậm chí còn tốt hơn so với việc mua trái phiếu Mỹ. Đối với trường hợp của Trung Quốc, nước này duy trì thặng dư thương mại liên tục với Mỹ, song thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc cũng chỉ hơn 400 USD.

Ngoài ra, mặc dù Trung Quốc là một trong những nước nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều nhất thế giới, Bắc Kinh vẫn không thành công trong việc chuyển toàn bộ nguồn đầu tư này vào thâm hụt tài khoản vãng lai nhằm tài trợ cho các hoạt động đầu tư hoặc tiêu dùng ngày càng tăng trong nước. Thay vào đó, Trung Quốc đã cho thấy một thực trạng đầu tư quốc tế bất hợp lý. Mặc dù tích lũy được khoảng 2.000 tỷ USD tài sản nước ngoài ròng, Trung Quốc vẫn phải đối mặt với thâm hụt đầu tư - thu nhập trong suốt hơn một thập niên.

Trung Quốc đã phát triển “nóng” trên thị trường thế giới và nền kinh tế của nước này đang rất cần tái cân bằng. Mặc dù Trung Quốc đã có những tiến bộ đáng kể kể từ năm 2008, song tỷ lệ thương mại/GDP (37%) và tỷ lệ xuất khẩu/GDP (18%) vẫn cao hơn đáng kể so với với Nhật Bản, Mỹ và một số nền kinh tế lớn khác.

Việc giảm nhanh chóng tài khoản vãng lai cũng là một thách thức lớn với Trung Quốc. Nếu Trung Quốc giảm thặng dư thương mại với Mỹ, nước này cũng phải giảm thặng dư thương mai với các nền kinh tế Đông Á khác.

Theo Nikkei, Trung Quốc cũng cần dừng tích lũy ngoại hối. Nếu muốn dự trữ tài sản nước ngoài, Trung Quốc nên chọn những tài sản có giá trị có lợi nhuận cao hơn trái phiếu chính phủ Mỹ., Trung Quốc cũng cần cân bằng xuất khẩu và nhập khẩu, đồng thời tạo sân chơi công bằng cho các tập đoàn nước ngoài hoạt động tại thị trường Trung Quốc bằng cách giảm bớt sự ưu ái dành cho các địa phương để cạnh tranh vốn đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng cần nỗ lực hơn về hoạt động sáng tạo trong nước nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài, điều mà chưa bao giờ dễ dàng để có thể đạt được. Những mục tiêu này không mới với chính quyền Trung Quốc. Tuy nhiên nhờ cuộc chiến thương mại với chính quyền Trump, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang đẩy nhanh việc theo đuổi các mục tiêu này.

Thành Đạt

Theo Nikkei