1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Rò rỉ tài liệu mật về các biện pháp trừng phạt Nga

(Dân trí) - Báo chí Anh hôm qua đã đăng tải tài liệu mật liên quan đến kế hoạch trừng phạt Nga của EU trong bối cảnh Mỹ cũng đang cân nhắc hành động tương tự để phản đối can thiệp quân sự ngày càng tăng của Mátxcơva trên bán đảo Crimea thuộc Ukraine.

Mỹ và một số thành
viên EU đang giữ quan điểm trái chiều trong việc trừng phạt Nga.

Mỹ và một số thành viên EU đang giữ quan điểm trái chiều trong việc trừng phạt Nga.

Tuy nhiên, hướng xử lý của hai bên cho thấy rõ dường như đang tồn tại sự khác biệt trong quan điểm giữa Mỹ và một số nước châu Âu về phương sách đối phó với Nga.

Theo tài liệu mật chụp được tại Văn phòng Thủ tướng Anh mà tờ The Guardian có được và đăng tải trong số ra ngày 3/3, London đang soạn thảo kế hoạch nhằm đảm bảo rằng mọi kế hoạch trừng phạt Nga của EU đều không ảnh hưởng tới lợi ích của Anh.

Hình chụp tài liệu mật do phóng viên tự do Steve Back cung cấp. Phóng viên này cho biết hiện tài liệu đang nằm trong tay một quan chức giấu tên tham dự cuộc họp của Hội đồng an ninh quốc gia (SNC) do Thủ tướng David Cameron chủ trì để thảo luận về cuộc khủng hoảng Ukraine và những hoạt động quân sự gần đây ở Crimea mà phương Tây cáo buộc là do Nga thực hiện.

Nội dung tài liệu mật nêu rõ Anh không nên ủng hộ các biện pháp trừng phạt thương mại hay "đóng cửa" trung tâm tài chính London với người Nga.

London cũng không khuyến khích bất cứ cuộc thảo luận nào, kể cả tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) về việc triển khai lực lượng quân sự, triển khai quan sát viên của Tổ chức hợp tác và an ninh châu Âu (OSCE) hay Liên hợp quốc (LHQ tại Crimea và Đông Ukraine.

Ngoài ra, Anh còn muốn Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đóng vai trò dẫn dắt trong việc tạo dựng diễn đàn đối thoại với Nga về vấn đề Ukraine và đồng ý họp thượng đỉnh EU khẩn cấp để thảo luận về vấn đề Ukraine.

Theo các nguồn tin thân cận với chính phủ Anh, hiện các quan chức nước này chưa "chốt" phương án nào tại cuộc họp của SNC, song tất cả đều nhất trí cho rằng London sẽ không đóng cửa trung tâm tài chính với Nga và không để cho các biện pháp trừng phạt Mátxcơva làm tổn hại lợi ích của nước này.

Trái ngược với quan điểm của Anh, giới chức Mỹ lại đang sốt sắng thúc đẩy các biện pháp trừng phạt Nga sau khi thừa nhận binh sĩ Nga đã kiểm soát hoàn toàn bán đảo Crimea.

Phát biểu với báo giới tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Barack Obama cáo buộc Nga “đã phạm sai lầm lịch sử” ở Ukraine và sẽ phải trả giá đắt cho các hành động này.

“Mỹ đang cân nhắc các biện pháp trừng phạt kinh tế và ngoại giao nhằm cô lập Nga. Chính phủ cũng đang hối thúc Quốc hội sớm thông qua gói viện trợ lớn ngay thức thì cho Ukraine”, Tổng thống Obama cho biết.

Trong khi đó, có tin Thượng viện Mỹ đã bắt đầu cân nhắc các biện pháp trừng phạt như phong tỏa tài sản của các cá nhân, tổ chức của Nga và cấm các quan chức Nga ra vào Mỹ. Những biện pháp này tương tự như trong đạo luật Magneski đã được Mỹ áp dụng với Nga từ năm 2005.

Bình luận về hành động này của Thượng viện, Chủ tịch tiểu ban châu Âu thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sỹ Chris Murphy, cho rằng việc Mỹ áp đặt trừng phạt đơn phương sẽ ít có hiệu quả nếu không được phối hợp với các hành động tương tự của châu Âu.

Thượng nghị sỹ Cộng hòa Lindsey Graham thậm chí còn đề xuất treo tư cách thành viên G-8 của Nga một năm, đồng thời kết nạp ngay Georgia vào NATO để tạo ra “gọng kìm dân chủ” bao vây nước Nga.

Trước đó, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates khuyên chính quyền của Tổng thống Obama nên cân nhắc kỹ lưỡng mọi phản ứng đối với Nga trong vụ Ukraine nếu không muốn tự đẩy mình vào thế khó khi “lời nói chẳng thể đi đôi với việc làm”. Theo ông, Tổng thống Nga Vladimir Putin rõ ràng đang chiếm ưu thế trong vấn đề ở Ukraine và Điện Kremlin chắc chắn sẽ không sớm thay đổi việc chiếm giữ bán đảo này.

Những cảnh báo của cựu Bộ trưởng Robert Gates không phải không có lý khi hiện đang tồn tại sự cách biệt khá lớn trong quan điểm trừng phạt Nga của Mỹ và EU, cũng như ngay trong chính nội bộ các nước thành viên EU.

 Đó là chưa kể, những khó khăn về tài chính chưa chắc đã cho phép Mỹ vung tiền cho Ukraine vay ngay một khoản tiền lớn, cho dù Tổng thống Obama vừa được Quốc hội cho phép nâng trần nợ công thêm một năm.

Vũ Anh

Tổng hợp