1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Răng người tiền sử ở Trung Quốc có thể viết lại lịch sử loài người hiện đại

Đức Hoàng

(Dân trí) - Các chuyên gia cho rằng, các xương, trong đó có hàm răng, được phát hiện trong hang động ở Trung Quốc, có thể là manh mối cho thấy người hiện đại đã tồn tại từ rất lâu so với hiểu biết hiện tại.

Răng người tiền sử ở Trung Quốc có thể viết lại lịch sử loài người hiện đại - 1

Hàm răng được khai quật ở hang Hualong, An Huy, Trung Quốc (hình A) so sánh với các hóa thạch người cổ đại khác. Các chuyên gia tin rằng hàm răng có thể cung cấp thông tin quan trọng về quá trình tiến hóa của con người (Ảnh: Newsweek). 

Trong một bài nghiên cứu đăng tải trên Tạp chí Tiến hóa của loài người, các chuyên gia từ Mỹ và Trung Quốc, cho biết các xương, trong đó có hàm răng, được phát hiện ở hang Hualong, tỉnh An Huy, phía đông Trung Quốc. Phát hiện này dẫn tới những hoài nghi rằng "quá trình tiến hóa của con người từ cổ đại sang hiện đại có thể đã xuất hiện 300.000 năm trước, nghĩa là có khả năng sớm hơn 80.000-100.000 năm so với hiểu biết từ trước tới nay của giới chuyên gia".

Các tác giả của nghiên cứu ở Trung Quốc nhận định rằng, đây có thể là xương người hiện đại cổ nhất thế giới về mặt giải phẫu từng được phát hiện. Tuy nhiên, việc xác định niên đại chính xác của các phần xương này vẫn là chủ đề gây tranh cãi trong giới chuyên gia, khi nhiều ý kiến cho rằng việc này chưa thể chắc chắn.

Mặc dù vậy, giáo sư Đại học Nam California Kristian Carlson vẫn nhận định rằng việc quan sát các hàm răng được khai quật có thể là chỉ dấu quan trọng để đưa ra kết luận về niên đại của xương.

Các nhà nghiên cứu Liu Wu và Wu Xiujie của Viện Cổ sinh vật học và Cổ sinh vật có xương sống thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc cho biết, các hóa thạch được khám phá ngoài các đặc điểm lông mày và xương gò má tương tự người cổ đại từ giữa kỷ Pleistocen từ 700.000 đến 1,25 triệu năm trước, phần còn lại của các đặc điểm trên hộp sọ có nhiều đặc điểm giống với con người từ thời sơ khai và hiện đại hơn.

Chuyên gia Liu Wu nói: "Việc phân tích so sánh với các mẫu vật đã dẫn đến một loạt khám phá và hiểu biết mới. Điều này cũng khiến chúng ta có một số phỏng đoán mới về quá trình tiến hóa của loài người. Sự tiến hóa loài người sang dạng người hiện đại ban đầu có khả năng xảy ra ở một khu vực tương đối biệt lập tại Trung Quốc, trong khi các khu vực khác vẫn đang bị ảnh hưởng bởi người ở niên đại cổ xưa hơn".

Kể từ khi dự án khám phá hang động Hualong bắt đầu từ năm 2013, hơn 30 xương người cổ đại đã được tìm thấy, cũng như "hàng trăm công cụ bằng đá" và một số lượng lớn "hóa thạch động vật có vú và dấu vết của những vết cắt và rạch trên bề mặt xương động vật".

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết vẫn còn thiếu sự thống nhất giữa các chuyên gia về thời điểm chính xác con người cổ đại tiến hóa thành người hiện đại ở khu vực Đông Á.

Chuyên gia Liu Wu nói: "Chúng tôi tin rằng thêm nhiều những khám phá và nghiên cứu về hóa thạch người cổ đại sẽ tiết lộ thêm về sự xuất hiện của người hiện đại trên lục địa Đông Á và làm rõ những bất đồng quan điểm liên quan đến nguồn gốc của người hiện đại".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm