1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

"Ra mắt" tại G7, ông Biden sẽ thảo luận về thách thức từ Trung Quốc

An Bình

(Dân trí) - Đối phó với thách thức Trung Quốc sẽ là một trong những vấn đề thảo luận chính khi Tổng thống Biden họp cùng các lãnh đạo G7, sự kiện đa phương đầu tiên của ông trên cương vị nhà lãnh đạo Mỹ.

Ra mắt tại G7, ông Biden sẽ thảo luận về thách thức từ Trung Quốc - 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden (Ảnh: Getty)

"Tổng thống Joe Biden sẽ thảo luận sự cần thiết có các đầu tư để gia tăng tính cạnh tranh tập thể và tầm quan trọng của việc cập nhật các quy tắc toàn cầu để đối phó với các thách thức kinh tế, như do Trung Quốc gây ra", Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố ngày 14/2.

Ông Biden cũng sẽ chú trọng vào sự đối phó của thế giới đối với đại dịch Covid-19 và nền kinh tế thế giới tại hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo nhóm 7 quốc gia có nền kinh tế phát triển lớn nhất thế giới - gồm Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Italia, Nhật, Anh (G7).

Hội nghị trực tuyến G7, diễn ra vào thứ 6 tuần này, sẽ là lần đầu tiên các lãnh đạo khối này nhóm họp kể từ tháng 4 năm ngoái.

Ông Biden từng tuyên bố rằng ông sẽ có cách tiếp cận khác hoàn toàn người tiền nhiệm Donald Trump, người đã đưa Mỹ ra khỏi WHO và không tham gia chương trình Covax nhằm phân phối vắc xin Covid-19 tại các quốc gia ít phát triển hơn - các quyết định mà chính quyền Biden đã đảo ngược.

SCMP dẫn lời một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Thượng Hải nhận định, ông Biden nhiều khả năng sẽ dùng thượng đỉnh G7 lần này để phát đi tín hiệu về ý định của ông nhằm lấy lại vị thế của Mỹ trong sự lãnh đạo toàn cầu.

"Ông Biden muốn chứng tỏ với thế giới rằng Mỹ đang trở lại chính trường thế giới và sẵn sàng trở lại dẫn dắt sau 4 năm của ông Trump, trong đó vai trò của Mỹ trên thế giới đã suy giảm nhanh chóng", chuyên gia trên cho hay.

Sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc được dự đoán sẽ tiếp tục gia tăng khi Washington tìm cách bắt tay với các đồng minh để cạnh tranh với Trung Quốc.

Khi Mỹ tìm cách lãnh đạo sự đối phó toàn cầu đối với đại dịch Covid-19 và giành lại vị thế, Trung Quốc sẽ đối mặt với bài toán liệu có tham gia với Mỹ hay đưa ra một kế hoạch song song của riêng mình.

Ngay sau khi nhậm chức hôm 20/1, Tổng thống Biden đã ký các mệnh lệnh hành pháp đưa Mỹ tái gia nhập WHO, thỏa thuận khí hậu Paris và các thỏa thuận khác.

Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều thập niên qua khi hai nước mâu thuẫn về nhiều vấn đề, trong đó có đại dịch Covid-19. Cuối tuần qua, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã tuyên bố Washington có "những lo ngại nghiêm trọng" về phát hiện ban đầu của cuộc điều tra Covid-19 kéo dài cả tháng mang tính chính trị hóa cao và bị trì hoãn của WHO về nguồn gốc đại dịch Covid-19 tại Trung Quốc.

Anh là chủ tịch G7 trong năm nay và dự kiến tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh trực tiếp vào tháng 6 tới. Nước này đã đề xuất mở rộng khối thành liên minh dân chủ có tên gọi D10 để bổ sung Australia, Hàn Quốc và Ấn Độ, nhưng kế hoạch này được cho là bị hoãn lại do lo ngại rằng việc Asutralia tham gia sâu hơn vào G7 sẽ bị coi là khiêu khích đối với Trung Quốc do mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước. Tuy nhiên, Australia được cho là đã được mời tham gia tất cả các phiên họp của thượng đỉnh G7 tháng 6.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm