Quyền lực múi giờ
Bình Nhưỡng chính thức vặn lùi đồng hồ xuống 30 phút kể từ ngày 15-8-2015 để tạo ra múi giờ riêng.
Theo sau hội nghị thượng đỉnh vào tuần rồi, Triều Tiên sẽ chỉnh lại múi giờ nước này kể từ ngày 5-5 để thống nhất với múi giờ Hàn Quốc và bán đảo Triều Tiên sẽ chỉ còn một múi giờ.
Sức mạnh chính trị
Hãng thông tấn KCNA dẫn lời nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nói rằng ông cảm thấy "nhói lòng" khi thấy 2 chiếc đồng hồ trên tường tại nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh Hàn - Triều hôm 27-4 chỉ thời gian khác nhau ở 2 nước láng giềng. Bình Nhưỡng chính thức vặn lùi đồng hồ xuống 30 phút kể từ ngày 15-8-2015 để tạo ra múi giờ riêng. Triều Tiên vốn đã có hệ thống lịch riêng với số năm tính từ 1912, năm sinh của người sáng lập - cố lãnh tụ Kim Nhật Thành (Kim Il-sung).
Việc thiết lập "giờ Bình Nhưỡng" là một động thái chính trị nhằm xóa bỏ di sản của thời kỳ Nhật Bản cai trị một thế kỷ trước - áp đặt múi giờ Tokyo lên bán đảo Triều Tiên năm 1912, tức GMT+8½.
Múi giờ được đề xuất lần đầu tiên vào giữa thế kỷ XIX khi hoạt động đi lại và liên lạc trên toàn cầu bắt đầu sôi động. Nhưng phải tới đầu thế kỷ XX, múi giờ mới được chuẩn hóa với tham chiếu tới Giờ Trung bình tại Greenwich (GMT) - giờ tại kinh tuyến số 0, đi qua đài thiên văn Hoàng gia Greenwich ở TP London - Anh. Phần lớn quốc gia hiện nay dùng cách tính bù trừ giờ so với GMT (chẳng hạn múi giờ Việt Nam là GMT+7). Một số nước rộng lớn sử dụng nhiều múi giờ trong khi các nước nhỏ dùng các phân số của một giờ để phản ánh sát hơn hành trình của mặt trời trên lãnh thổ của mình.
Gọi hành động nói trên của Triều Tiên là một cuộc "du hành thời gian", trang Economist chỉ rõ đây chẳng phải chuyện xa lạ trong truyền thống lịch sử lâu đời của những nhà cầm quyền muốn thể hiện sức mạnh chính trị bằng cách điều chỉnh đồng hồ và lịch. Đổi múi giờ có nghĩa là thay đổi đột ngột và căn bản cả đời sống hằng ngày. Điều gì có thể minh họa sức mạnh của một nhà cầm quyền tốt hơn việc tự mình kiểm soát thời gian?
Hàn Quốc cũng từng vặn đồng hồ để "thoát" múi giờ Tokyo vào năm 1954 nhưng rồi trở lại múi giờ này vào năm 1961 để khuyến khích thương mại. Vì thế, sự thay đổi múi giờ của Triều Tiên vào năm 2015 còn được cho là đã nới rộng sự chia cắt của bán đảo Triều Tiên sang cả thời gian.
Cũng cần thừa nhận rằng không phải sự thay đổi nào cũng trụ được trước thử thách của thời gian: Cuộc cách mạng Pháp, muốn nhấn mạnh sự đoạn tuyệt với quá khứ quân chủ, đã không thể giữ được bộ lịch hoàn toàn mới và hệ thống đếm thời gian 10 giờ một ngày của mình sau khi áp dụng chúng năm 1793. Những thử nghiệm một tuần gồm 5 và 6 ngày của Liên Xô trong những năm 1930 cũng bất thành.
Tuy vậy, những sự thay đổi nếu "sống sót" sẽ giúp các nhà cầm quyền được tưởng nhớ nhiều hơn bất cứ tượng đài nào. Tháng 7 (July) và tháng 8 (August) đều được lấy theo 2 hoàng đế nổi danh thời La Mã, lần lượt là Julius và Augustus. Hai nhân vật này qua đời đã lâu, tương ứng vào tháng 7 và tháng 8, đế chế của họ cũng không còn nhưng dấu ấn của họ vẫn nằm trong bộ lịch phương Tây cho tới tận ngày nay.
Nêu bật sức mạnh
Trong thời kỳ hiện đại, kiểm soát thời gian còn là cách nêu bật sức mạnh của chính quyền trung ương. Theo AP, Trung Quốc từng có 5 múi giờ. Sau khi nắm quyền năm 1949, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã hủy bỏ tất cả, trừ "múi giờ Bắc Kinh" (GMT+8) để đơn giản hóa quản trị và mang lại sự gắn kết cho đất nước. Quyết định đó gây rắc rối cho những người sống ở phía Tây đất nước, đặc biệt là Tây Tạng và Tân Cương - cư dân ở đây phải tăng lên 2 giờ so với tự nhiên để đồng bộ với phía Đông.
Hai đồng hồ thể hiện 2 múi giờ cách nhau 30 phút - bên trái là giờ Hàn Quốc và bên phải là giờ Triều Tiên - trên bức tường Nhà Hòa bình ở biên giới liên Triều Ảnh: THE KOREA HERALD
Trong khi đó, trải rộng gần 2.900 km từ Đông sang Tây, Ấn Độ từ lâu vật lộn với việc điều chỉnh múi giờ. Nước này bị chia làm 2 múi giờ trong phần lớn lịch sử khi là thuộc địa của Anh rồi chọn một múi giờ thống nhất sau khi giành được độc lập. Tuy nhiên, một số cư dân ở khu vực viễn Đông Ấn Độ vẫn đi theo giờ giấc riêng của mình.
Ở bang Assam, ngôi nhà của gần như toàn bộ nền công nghiệp trà Ấn Độ, nhiều đồn điền vận hành theo cái họ gọi là "chaibagaan" hay "giờ vườn trà". Đồng hồ được chỉnh sớm hơn 1 giờ để những nông dân trồng trà có thêm ánh nắng.
Điều khiển múi giờ đôi khi cũng mang lại cơ hội cho giới lãnh đạo nhấn mạnh nền độc lập và riêng biệt của đất nước. Venezuela từng theo múi giờ GMT-4½ cho tới năm 1965 khi nước này chuyển sang múi giờ GMT-4 để phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Cố Tổng thống Hugo Chavez đã đưa đất nước trở lại múi giờ cũ vào năm 2007 - được cho là để "phân phối ánh nắng một cách công bằng hơn cho người dân" nhưng cũng để bảo đảm nước này không chia sẻ múi giờ chung với Mỹ.
Về mặt lý thuyết, công nghệ hiện đại cho phép mọi người dùng hệ thống múi giờ nào mình muốn. Điện thoại thông minh và máy tính có thể chuyển đổi nhanh chóng giữa các hệ thống lịch và múi giờ đáp ứng nhu cầu người dùng. Thế nhưng, trên thực tế, múi giờ và lịch còn mang ý nghĩa điều phối các hoạt động trong toàn xã hội, chúng phải nhất quán trong một quốc gia và trong một số trường hợp là giữa các quốc gia với nhau.
Một trong những dẫn chứng rõ ràng nhất có thể kể tới trường hợp Ả Rập Saudi năm 2013, nước này phải chuyển cuối tuần từ thứ năm/thứ sáu sang thứ sáu/thứ bảy cho trùng với các quốc gia Ả Rập khác.
Theo Đỗ Quyên
Người lao động