1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Quốc tế lên tiếng về cuộc không kích của Mỹ tại Syria

(Dân trí) - Cuộc không kích Syria của Mỹ, Anh, Pháp nhằm đáp trả cáo buộc Syria tấn công bằng vũ khí hóa học vào Douma đã nhận được nhiều phản ứng trái chiều của cộng đồng quốc tế.

Tổng thống Trump phát lệnh tấn công Syria

Hình ảnh được cho là tên lửa bay trên bầu trời Syria ngày 14/4 (Ảnh: AP)
Hình ảnh được cho là tên lửa bay trên bầu trời Syria ngày 14/4 (Ảnh: AP)

Rạng sáng ngày 14/4, quân đội 3 nước Mỹ, Anh, Pháp đã bắn hơn 100 tên lửa vào các mục tiêu được cho là các cơ sở vũ khí hóa học của Syria. Đây là động thái nhằm đáp trả cáo buộc Syria tấn công bằng vũ khí hóa học tại Douma hồi tuần trước.

Bình luận về tình hình Syria, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres thừa nhận Hội đồng Bảo an LHQ dường như chưa làm tròn trách nhiệm trong việc xây dựng một cơ chế chuyên biệt nhằm giúp việc giải trình vấn đề vũ khí hóa học ở Syria một cách hiệu quả. Ông Guterres cam kết sẽ thúc giục Hội đồng Bảo an cùng các nước thành viên đẩy nhanh tiến độ xử lý hạng mục này

Tổng thư ký LHQ cũng kêu gọi các nước thành viên Hội đồng Bảo an tránh thực thi các hành động có thể làm tình hình Syria tồi tệ hơn. “Tôi kêu gọi các thành viên Hội đồng Bảo an đoàn kết và thực hiện trách nhiệm và tránh các hành động làm leo thang căng thẳng tại khu vực”.

Bộ Ngoại giao Iran đã lên án vụ tấn công Syria do Mỹ dẫn đầu và cảnh báo rằng Mỹ và đồng minh sẽ phải nhận hậu quả cho hành động nã tên lửa vào Damascus.

Nga, nước ủng hộ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad, cũng có phản ứng tương tự. Phó chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Alexander Sherin gọi cuộc tấn công của Mỹ là hành động gây hấn và vi phạm mọi luật lệ quốc tế. Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho biết những hành động như vậy sẽ không thể bị bỏ qua mà không có bất kỳ hậu quả nào.

Truyền thông Syria đã mạnh mẽ lên tiếng phản đối hành động của Mỹ, Anh, Pháp, cáo buộc việc nã tên lửa của 3 nước vào lãnh thổ Syria là hành động “vi phạm một cách thô bạo luật pháp quốc tế”.

Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov (Ảnh: AFP)
Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov (Ảnh: AFP)

Tại Trung Đông, Israel dường như bày tỏ quan điểm ủng hộ hành động của Mỹ. “Năm ngoái, Tổng thống Trump đã nói rõ ràng rằng việc sử dụng vũ khí hóa học (ở Syria) đã vượt quá lằn ranh đỏ. Hôm nay, dưới sự lãnh đạo của Mỹ, 3 nước Mỹ, Anh, Pháp đã thực thi lằn ranh giới hạn đó”, một quan chức Israel giấu tên nói với Reuters.

Về phía Anh, nước trực tiếp tham gia nã hỏa lực vào Syria, Thủ tướng Theresa May cho biết quyết định của Anh nhằm vì lợi ích quốc gia vì Anh không thể để cho việc sử dụng vũ khí hóa học trở trở thành một vấn đề bình thường. Nếu Anh bỏ qua, thứ vũ khí nguy hiểm này có thể sẽ xuất hiện trên đường phố Anh hoặc trên khắp thế giới một ngày nào đó.

Thủ tướng Pháp Emmanuel Macron cho rằng cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học nghi do Syria thực hiện hoàn toàn vi phạm luật pháp quốc tế và Pháp buộc phải hành động.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau bày tỏ quan điểm ủng hộ quyết định của 3 nước. Ông Trudeau cam kết sẽ cùng hợp tác với các đối tác quốc tế nhằm điều tra về việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đánh giá cuộc tấn công của Mỹ, Anh, Pháp là “thích hợp” và sẽ có thể ngăn ngừa “một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học vào người dân Syria trong tương lai”.

Nội bộ Mỹ tranh cãi

Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ John McCain (Ảnh: Today)
Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ John McCain (Ảnh: Today)

Nội bộ Mỹ cũng xảy ra ý kiến trái chiều liên quan tới tình hình Syria.

Một số nghị sĩ đảng Cộng hòa, trong đó có Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ John McCain bày tỏ quan điểm ủng hộ Tổng thống Trump hành động nhằm “cảnh báo” Tổng thống Assad. Ông McCain cho rằng để Mỹ hoạt động hiệu quả hơn ở Syria trong tương lai, chính quyền ông Trump cần có một chiến lược toàn diện cho Syria và khu vực Trung Đông. Các chiến lược mới không chỉ tập trung vào việc tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố, mà còn nên giải quyết cuộc nội chiến ở Syria, cũng như tác động tới tầm ảnh hưởng của Nga và Iran tại Damascus.

Các nghị sĩ kỳ cựu của đảng Dân chủ như Chuck Schumer, Nancy Pelosi dường như không mấy ủng hộ quyết định của ông Trump dù ủng hộ mục đích răn đe Syria trong hành động của Tổng thống Mỹ.

Các nghị sĩ cho rằng chỉ một cuộc tấn công vào Syria dường như sẽ không làm thay đổi được cục diện tình hình và cảnh báo Mỹ có thể lún sâu hơn vào chiến trường Syria. Một số nghị sĩ cho rằng việc ông Trump phát lệnh tấn công Syria khi chưa có sự thông qua của quốc hội dường là hành động phạm luật. Phía Dân chủ yêu cầu Tổng thống Trump cần có một kế hoạch hành động hiệu quả và cụ thể cũng như được lưỡng viện thông qua trước khi quyết định tấn công Syria.

Đức Hoàng

Tổng hợp