1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Quốc gia nào viện trợ nhiều nhất cho Ukraine?

Thanh Thành

(Dân trí) - Mỹ, EU và các quốc gia châu Âu cung cấp hầu hết viện trợ quân sự, tài chính và nhân đạo cho Ukraine.

Quốc gia nào viện trợ nhiều nhất cho Ukraine? - 1

Lô viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine (Ảnh: AFP).

Kể từ ngày 10/10, Ukraine đã phải đối mặt với nhiều đợt tấn công tên lửa mạnh mẽ của Nga nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của nước này.

Khi chuẩn bị cho các cuộc tấn công tiếp theo trong mùa đông lạnh giá khốc liệt, Ukraine đang nỗ lực kêu gọi các nước viện trợ thêm vũ khí để đối phó với Nga, đặc biệt là các hệ thống phòng không để bảo vệ các cơ sở hạ tầng trọng yếu.

Trong số các nước phương Tây đồng minh ủng hộ Ukraine, nhiều quốc gia đang cung cấp cho Ukraine nguồn viện trợ lớn hơn những quốc gia khác.

Theo dữ liệu mới nhất được Viện Kinh tế Thế giới Kiel, một cơ quan tư vấn của Đức, công bố trong tuần này, Mỹ là quốc gia viện trợ lớn nhất cho Ukraine.

Ngoài Mỹ, các số liệu do Viện Kiel thu thập cho thấy, viện trợ quân sự, tài chính và nhân đạo từ các chính phủ cho Ukraine chủ yếu đến từ các nước trong Liên minh châu Âu (EU) và các nước Nhóm G7.

Hỗ trợ quân sự bao gồm vũ khí, thiết bị và hỗ trợ tài chính cho quân đội Ukraine. Cứu trợ nhân đạo bao gồm y tế, thực phẩm và các mặt hàng khác cho dân thường, trong khi hỗ trợ tài chính dưới hình thức trợ cấp, cho vay và bảo lãnh.

Trong động thái mới nhất, Reuters dẫn các nguồn cho hay, Washington chuẩn bị gửi gói viện trợ quân sự mới cho Kiev, trong đó có các hệ thống phòng không và chống UAV. Dự kiến gói 275 triệu USD này được công bố trong ngày 9/12.

Khoản viện trợ 275 triệu USD mới nhất thuộc khuôn khổ quyền điều chỉnh nguồn lực tổng thống (PDA), cho phép chính quyền Tổng thống Joe Biden chuyển giao các thiết bị quốc phòng tồn kho cho đối tác trong tình huống khẩn cấp mà không cần Quốc hội Mỹ thông qua.

Gói viện trợ quân sự sẽ bao gồm tên lửa cho Hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS, đạn pháo 155m, xe quân sự Humvee và máy phát điện. Tuy nhiên, không có chi tiết về các thiết bị phòng không. Ngoài ra, nội dung và quy mô gói viện trợ có thể thay đổi trước khi được Tổng thống Joe Biden thông qua.

Gói viện trợ mới nhất nâng tổng hỗ trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine từ khi chiến sự bùng phát hồi cuối tháng 2 lên khoảng 47,8 tỷ euro (50,3 tỷ USD) viện trợ quân sự, tài chính và nhân đạo cho Kiev, với gần một nửa là dưới hình thức hỗ trợ quân sự.

Trong khi đó, các tổ chức trong EU như Ngân hàng Đầu tư châu Âu, Ủy ban châu Âu, Hội đồng châu Âu và Quỹ Hòa bình Châu Âu đã cung cấp 35 tỷ euro (36,8 tỷ USD) viện trợ cho Ukraine, chủ yếu dưới hình thức trợ giúp tài chính.

Anh là nước đóng góp viện trợ cao thứ ba cho Ukraine với 7,1 tỷ euro (7,5 tỷ USD) được cam kết từ ngày 24/1 đến ngày 20/11.

Đức là quốc gia hỗ trợ lớn thứ 4 cho Ukraine với con số 5,4 tỷ euro. Hôm 9/12, chính phủ Đức xác nhận họ đang chuẩn bị gửi 18 pháo tự hành RCH-155 cho Ukraine cùng ít nhất 80 xe bán tải, 90 thiết bị chống máy bay không người lái (UAV), 2 nhà chứa máy bay và 7 xe tải chuyên dụng.

Đứng thứ 5 trong danh sách này là Canada, quốc gia đã hỗ trợ 3,8 tỷ euro cho Ukraine kể từ tháng 2, khi cuộc xung đột với Nga bùng phát. Cho đến nay, con số đã vượt Ottawa trước đó cung cấp cho Kiev các phương tiện bọc thép, pháo và đạn dược, UAV giám sát và trang phục mùa đông cho binh sĩ.

Trong số 10 quốc gia viện trợ nhiều nhất cho Ukraine còn có Ba Lan, Pháp, Na Uy, Hà Lan và Thụy Điển.

Theo Al Jazeera

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm