1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Quốc đảo "dậy sóng" vì chuyến bay hồi hương có phần lớn khách Trung Quốc

Đức Hoàng

(Dân trí) - Dư luận quốc đảo Thái Bình Dương Solomon đang xôn xao về thông tin chuyến bay đưa công dân nước này hồi hương từ Quảng Châu có tới 83/104 người Trung Quốc.

Quốc đảo dậy sóng vì chuyến bay hồi hương có phần lớn khách Trung Quốc - 1

Nhà cửa ở thủ đô Honiara, Solomon (Ảnh: Reuters)

Chuyến bay đưa người Solomon mắc kẹt ở Trung Quốc hồi hương được xem là khá hiếm hoi trong bối cảnh quốc đảo Thái Bình Dương chưa có bất cứ ca Covid-19 nào.

Tuy nhiên, theo Radio New Zealand, trong 104 hành khách trên chuyến bay của Solomon Airlines xuất phát từ Quảng Châu hôm 3/9, chỉ có 21 người là người Solomon, trong khi 83 người còn lại là người Trung Quốc.

Trong số các hành khách Trung Quốc trên chuyến bay có những người đến tham gia xây dựng một sân vận động - dự án bị đình trệ nhiều tháng vì biên giới Solomon đóng cửa. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng chính phủ Solomon ưu tiên sân vận động hơn là sức khỏe và an toàn của người dân.

Chính phủ quốc đảo Thái Bình Dương trước đó khẳng định mọi hành khách trên chuyến bay đều được xét nghiệm âm tính với Covid-19 trước khi lên máy bay. Thêm vào đó, hiện toàn bộ 100 người trên chuyến bay vẫn đang trong thời gian cách ly bắt buộc. Tuy nhiên, số lượng lớn người Trung Quốc trên chuyến bay hồi hương vẫn khiến nhiều người bị “sốc”.

Vài ngày trước khi chuyến bay hạ cánh xuống thủ đô Honiara, các chính trị gia địa phương và các tổ chức phi chính phủ đã hối thúc Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare hủy bỏ chuyến bay.

Mặc dù Trung Quốc chỉ ghi nhận số lượng không nhiều các ca Covid-19 mỗi ngày trong những tháng qua, nhưng với một số người Solomon, mối đe dọa vẫn rất lớn. Biên giới của Solomon gần như bị đóng cửa trong nhiều tháng vì mối lo dịch bệnh. Các ý kiến phản đối cho rằng chuyến bay từ Trung Quốc có thể mang ca bệnh Covid-19 đầu tiên vào quốc đảo dân số gần 700.000, dẫn tới gánh nặng với hệ thống y tế yếu kém.

Tuy nhiên, chính phủ vẫn tiến hành chuyến bay như bình thường.

Động thái này đã khiến Tỉnh trưởng Malaita - tỉnh đông dân nhất của Solomon, ông Daniel Suidani bất bình. Ông Suidani cho rằng các lãnh đạo của Solomon đang đặt quan hệ với Trung Quốc lên lợi ích của người dân. Ông Suidani thậm chí còn đề nghị một cuộc trưng cầu ý dân để ly khai Malaita ra khỏi Solomon.

Ngoại trưởng Solomon Jeremiah Manele chỉ trích đề xuất của ông Suidani là “gây chia rẽ” và “gây nguy hại tới sự đoàn kết của đất nước trong thời điểm chúng ta cần phải cùng nhau ngăn Covid-19 và không chính trị hóa dịch bệnh”. Trong khi đó, Bộ Thể chế và Củng cố chính quyền cấp tỉnh của Solomon nói rằng ông Suidani không có quyền hợp pháp để tổ chức trưng cầu ý dân.

Năm ngoái, Solomon từng cắt đứt quan hệ với Đài Loan và quay sang bắt tay với Trung Quốc. Trung Quốc coi Đài Loan là một tỉnh và từ chối thiết lập quan hệ ngoại giao với bất cứ quốc gia nào không thừa nhận chính sách “Một Trung Quốc” của Bắc Kinh.

Trong khi Thủ tướng Sogavare mở cửa chào đón Trung Quốc và các lợi ích kinh tế mà Bắc Kinh hứa hẹn, nhiều người lo ngại rằng Trung Quốc ở vị trí cao hơn hẳn để có thể trở thành một đối tác ngang bằng với Solomon. Trước đó, truyền thông đưa tin rằng Solomon được cho đang cân nhắc cho Trung Quốc thuê nguyên một hòn đảo.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định rằng việc xây dựng quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Solomon là “cởi mở và công bằng”. “Bất cứ tin đồn và lời vu khống nào không thể ảnh hưởng tới sự phát triển của quan hệ hữu nghị giữa 2 nước”, thông báo viết.

Tại Solomon, sự hiện diện của Trung Quốc đã bắt đầu nhen nhóm. Bắc Kinh đã duyệt tặng tiền cho Solomon xây một sân vận động để họ có thể làm chủ nhà cho sự kiện đại hội thể thao Thái Bình Dương 2023.

Giới quan sát cho rằng những hứa hẹn về lợi ích về tài chính và kinh tế của Trung Quốc với Solomon dường như lớn hơn so với Đài Loan và điều này đã khiến Solomon quyết định “bắt tay” với Bắc Kinh.