1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Quan hệ Nga-NATO đã đến lúc “tan băng”?

Trong phiên họp mới đây của giữa đại diện Nga và khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tuy không đạt được kết quả rõ ràng, nhưng đã tạo ra một tín hiệu lạc quan về khả năng “tan băng” quan hệ giữa hai bên.

Có thể thấy rõ NATO đã có thay đổi chiến lược đối với nước Nga. Phương Tây một phần nào đó đã không còn tin vào “mối đe dọa đến từ nước Nga”. Thậm chí, nhiều chính trị gia phương Tây đã lên tiếng kêu gọi Liên minh châu Âu nên coi Moscow là đồng minh, chứ không phải là đối thủ cần phải dè chừng.

NATO thực tế là một liên minh đa quốc gia với nhiều mối ưu tiên khác nhau và “mối đe dọa từ nước Nga” chỉ là một mối quan tâm của khối quân sự này. Đánh giá về vấn đề này, chuyên gia phân tích chính trị Deena Stryker đã có bài viết trên tạp chí New Eastern Outlook nhận định, phương Tây đã nhận ra một điều là Nga cũng giống như các thực thể có ảnh hưởng khác như EU, Trung Quốc, Ấn Độ và vùng Cận Đông nên nằm trong một liên minh Á-Âu có vai trò đảm bảo nền an ninh quốc tế hơn là được xem như một mối đe dọa.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh NATO tại Warsaw vừa diễn ra, nhiều nhà phân tích đã nhận định về khả năng NATO thiết lập các căn cứ lâu dài tại Ba Lan và vùng Baltic với lý do ngăn chặn “mối nguy cơ đến từ nước Nga”, nhưng thực tế đã diễn ra rất khác.

Trong bài viết của mình trên tờ báo Anh The Guardian, nhà báo Mary Dejevsky nhấn mạnh việc Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã ra tuyên bố rõ ràng Nga không phải là mối đe dọa với bất kỳ quốc gia thành viên nào của khối và khẳng định mong muốn xây dựng quan hệ với Nga trên cơ sở “đối thoại mang tính chất xây dựng”.

“Tôi có thể khẳng định rõ ràng, chúng ta (NATO) không thấy bất kỳ mối nguy cơ nào sắp xảy ra đối với các quốc gia đồng minh. Chiến tranh lạnh chỉ còn là lịch sử và chúng ta chỉ nên nhớ về nó”, ông J. Stoltenberg tuyên bố. Sau thông điệp này, thay vì triển khai các căn cứ lâu dài tại Ba Lan và 3 quốc gia vùng Baltic, NATO đã thực hiện việc triển khai quân theo hình thức luân phiên. Đây là động thái thể hiện rõ việc các quốc gia trong khối đã có kiến nghị xem xét lại những yêu cầu của Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic về cái gọi là “mối đe dọa đến từ nước Nga”.

Dù có tồn tại nhiều bất đồng, nhưng rõ ràng Nga hiện không phải là mối đe dọa chính đối với NATO.
Dù có tồn tại nhiều bất đồng, nhưng rõ ràng Nga hiện không phải là mối đe dọa chính đối với NATO.

Trong bài trả lời phỏng vấn hãng tin Sputnik, chuyên gia của tạp chí Executive Intelligence Review, Jeff Steinberg đã chỉ ra thực tế là Tổng thống Pháp Francois Hollande và Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier tại hội nghị thượng đỉnh NATO không coi nước Nga là mối đe dọa đối với an ninh của châu Âu. Trước đó, giới chính trị gia của Đức cũng lên án các cuộc tập trận của NATO áp sát biên giới nước Nga và coi đây là hành động khiêu khích đối với Nga và có thể gây thêm bất ổn tại châu Âu.

Điều quan trọng hơn cả hiện nay đối với EU là giải quyết vấn đề hậu Brexit (nước Anh tách khỏi EU) và khủng hoảng kinh tế, chứ không phải là lời lẽ của “những chiếc đầu nóng” đang cố gắng thổi phồng mối đe dọa không tồn tại đến từ Nga. Cùng với đó, chính việc mỗi quốc gia NATO đều có những ưu tiên riêng đang biến khối quân sự này trở thành “người khổng lồ đứng trên đôi chân đất sét” và châu Âu đang muốn có lực lượng quân sự của riêng mình và tăng tính độc lập với NATO.

Về phần mình, Moscow cũng đang tích cực củng cố an ninh khu vực phía Tây của mình với việc tăng cường hoạt động ngoại giao với các quốc gia láng giềng.

Ngay trước khi hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra, Tổng thống Nga đã có chuyến viếng thăm Phần Lan thảo luận về vấn đề an ninh hàng không tại Baltic và nhiều vấn đề khác.

Mới đây nhất vào ngày 14-7, trong phiên họp của Hội đồng Nga-NATO diễn ra ở Brussels, Moscow đã đưa ra một loạt biện pháp tăng cường an ninh và xây dựng lòng tin giữa Nga-NATO tại khu vực Đông Âu và vùng Baltic.

Tại phiên họp, hai bên cũng thể hiện rõ việc không muốn kịch bản chiến tranh Lạnh tái diễn. Bản thân NATO cũng cần Nga để giải quyết không chỉ an ninh tại châu Âu, mà còn nhiều vấn đề cấp thiết toàn cầu khác.

Theo Tuấn Sơn

Quân đội nhân dân