1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Quan hệ Mỹ-Trung Quốc và nỗi ám ảnh “bóng ma” Chiến tranh Lạnh

Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã xấu đi nhanh chóng trên nhiều lĩnh vực, khiến các nhà quan sát mường tượng đến một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.

Bầu không khí hiện tại trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang gợi lại những năm đầu của cuộc đối đầu kéo dài giữa Mỹ và Liên Xô, trong đó nổi lên cụm từ “Chiến tranh Lạnh”.


Quan hệ Washington - Bắc Kinh có nguy cơ trở nên tồi tệ hơn. Ảnh: AP.

Quan hệ Washington - Bắc Kinh có nguy cơ trở nên tồi tệ hơn. Ảnh: AP.

Tại Trung Quốc, các quan chức Bắc Kinh ngày càng lo ngại, Tổng thống Donald Trump có thể nghiêm túc thực hiện cam kết của ông đảo ngược kiểu quan hệ song phương mà hai bên đã quen thuộc trong nhiều thập kỷ qua. Sẽ là một cú sốc thực sự cho Bắc Kinh để nhận ra những thông tin về việc phát động chính sách chống Trung Quốc giờ không chỉ còn là tin đồn tại từ Washington.

Kể từ tháng 6/2018 đến nay, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã xấu đi nhanh chóng trên nhiều lĩnh vực, không chỉ về mặt thương mại mà còn cả chính trị và quân sự. Mặc dù các dấu hiệu này chưa phải là khởi đầu của một cuộc Chiến tranh Lạnh tiếp theo, song nó cho thấy quan hệ hai bên đã rơi xuống một hố băng sâu chưa từng có.

Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump dự kiến gặp nhau tại Buenos Aires, Argentina trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo G20 vào cuối tháng 11/2018, trong một nỗ lực nhằm tìm kiếm giải pháp tháo ngòi nổ căng thẳng trong quan hệ song phương thời gian qua. Các vấn đề có thể được đưa ra thảo luận trong cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập Cận Bình là thương mại, Biển Đông và Đài Loan. Tuy nhiên, các chuyên gia chính sách cả hai phía đều lo ngại, đã quá muộn để tìm cách đưa quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc quay trở lại quỹ đạo bình thường.

Ông Orville Schell, giám đốc Trung tâm Quan hệ Mỹ - Trung thuộc tổ chức Asia Society nhận định: “Có một sự thay đổi tại Mỹ theo chiều hướng mà tôi chưa từng chứng kiến trong cuộc đời mình, đó là sự xa rời những quan điểm cũ về việc tiếp xúc, đối thoại. Tôi nghĩ rằng chúng ta không còn nhiều cơ hội để khôi phục lại quan điểm về việc xây dựng quan hệ mang tính hợp tác hơn”.

Mỹ liên tiếp công kích Trung Quốc

Cách đây một năm, rất ít người có thể tưởng tưởng được quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc lại có thể lao dốc tồi tệ như hiện nay. Trong thời điểm những năm 1990 và 2000, khúc mắc lớn nhất trong quan hệ Mỹ-Trung Quốc xoay quanh các vấn đề Đài Loan và Tây Tạng. Dù những vấn đề gai góc này vẫn còn tồn tại, nhưng chúng đã trở nên mờ nhạt đi theo thời gian.


 Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence. Ảnh: CNN.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence. Ảnh: CNN.

Nay vấn đề Đài Loan một lần nữa lại nóng lên trong quan hệ Mỹ-Trung, thêm vào đó là 2 yếu tố mới làm dày thêm bức tường băng trong quan hệ song phương gồm căng thẳng thương mại và quan điểm của Tổng thống Donald Trump về Trung Quốc. Trong bình luận đưa ra tuần trước, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã sử dụng ngôn từ cứng rắn công kích các chính sách của Trung Quốc từ nhân quyền cho đến cáo buộc Trung Quốc can thiệp cuộc bầu cử Mỹ.

“Như chúng tôi đã đề cập, Bắc Kinh đang theo đuổi cách tiếp cận toàn diện, sử dụng các phương tiện về chính trị, kinh tế và quân sự cũng như việc tuyên truyền để đẩy mạnh tầm ảnh hưởng và các lợi ích của nước này tại Mỹ”. Nhiều nhà quan sát đã so sánh tuyên bố của ông Mike Pence với bài phát biểu “bức rèm sắt” nổi tiếng của cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill và dự đoán đây là khởi đầu của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới trong thế kỷ 20. Nhưng chính phủ hai nước đều cố gắng gạt sang một bên sự đồn đoán như vậy, đặc biệt, các quan chức Trung Quốc còn nhấn mạnh lợi ích của hợp tác kinh tế song phương bất chấp cuộc chiến thương mại đang diễn ra.

Vài ngày sau phát biểu của ông Pence, Giám đốc Cục điều tra liên bang Mỹ Christopher Wray đã củng cố thêm quan điểm của Phó Tổng thống Mike Pence, cho rằng Trung Quốc tạo ra mối đe dọa về an ninh với Mỹ lớn hơn Nga. Phát biểu trong phiên điều trần tại Thượng viện Mỹ hôm thứ Tư (10/10), ông Christopher Wray nói: “Trên nhiều khía cạnh, Trung Quốc đã trở thành mối đe dọa lớn nhất, phức tạp nhất và lâu dài nhất mà chúng ta phải đối mặt”.

Sự đảo chiều đột ngột trong quan hệ với Washington là một cú sốc với Trung Quốc vì Bắc Kinh luôn nghĩ rằng họ có thể nắm bắt được chính sách của Tổng thống Trump, đồng thời vận hành một chiến dịch lâu dài để xoa dịu nhà lãnh đạo Mỹ.

Nếu trước kia, Trung Quốc từng coi nhẹ vai trò của Tổng thống Donald Trump, thì nay Bắc Kinh lại cho rằng, chính quyền Trump muốn kiềm tỏa và làm thất bại mục tiêu hiện đại hóa của nước này, hãng tin CNN dẫn lời Bonnie Glaser, giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Hoa của Viện nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS cho biết.

Chiến tích của ông Trump

Tại Mỹ, nơi chính trị ngày càng mang tính đảng phái, Trung Quốc đã trở thành một “cột thu lôi” hứng chịu sự công kích cả Đảng Dân Chủ lẫn Đảng Cộng hòa, đồng thời là lý do khiến hai đảng này xích lại gần nhau. Đây có thể coi là một chiến tích đáng ngạc nhiên của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Trên quan điểm chính trị, các quan chức chính phủ, các chuyên gia hàn lâm và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ngày càng nhất trí về nhu cầu cấp thiết cần phải định hình lại quan hệ Mỹ-Trung Quốc, mà họ cho rằng đã mang lại lợi thế cho Trung Quốc suốt một thời gian dài. Đây cũng là điều Tổng thống Donald Trump thường xuyên lặp đi lặp lại thời gian qua.

Ông Orville Schell, chuyên gia về Trung Quốc thuộc Hiệp hội châu Á tại Mỹ cho rằng, nước Mỹ đang ở thời điểm chuyển giao cực kỳ quan trọng, “khi nhìn lại, chúng ta sẽ thấy chúng ta có thể tránh được vực thẳm hoặc chúng ta sẽ tiến thẳng vào một cuộc đối đầu”.

Nhiều nhà quan sát đã hoan nghênh bài phát biểu của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, cho rằng phát biểu này lẽ ra nên được đưa ra từ lâu. Điểm duy nhất họ không đồng tình là việc chính quyền Mỹ cáo buộc Trung Quốc đang thực hiện các nỗ lực can thiệp cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ của Mỹ.

Giới phân tích cho rằng, quyết định của Nhà Trắng mô tả các hoạt động của Trung Quốc, chẳng hạn như mua quảng cáo trên báo chí Mỹ như một chiến thuật can thiệp bầu cử, sẽ chỉ làm suy yếu lập luận của Mỹ về những mối đe dọa do Bắc Kinh tạo ra.

Tuy vậy, sự đồng thuận bất thường của cả Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa về quan điểm đối với Trung Quốc đồng nghĩa với việc ngay cả những người hoài nghi về năng lực của ông Trump, cả trong lẫn ngoài chính phủ Mỹ, cũng đều ghi nhận công lao của ông đã khiến Bắc Kinh chao đảo nhờ chính sách đối ngoại khó lường và độc đáo.

Bắc Kinh sẽ nhượng bộ?

Hãng tin CNN dẫn lời một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, các đòn áp thuế của Tổng thống Donald Trump đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc đã khiến chính phủ Trung Quốc, dù lên kế hoạch kỹ lưỡng, vẫn bối rối khi đưa ra phản ứng đáp trả và khó có khả năng giành được chiến thắng với những đòn đáp trả của họ. Quan chức này củng cố thêm đánh giá của Tổng thống Trump cho rằng chiến lược của Mỹ đang có hiệu quả và Trung Quốc cuối cùng sẽ phải hạ mình trước sức ép ngày càng gia tăng về mặt kinh tế.

Hiện tại có nhiều dấu hiệu cho thấy thái độ mềm mỏng từ phía Bắc Kinh, sau khi truyền thông và các quan chức chính phủ Trung Quốc đưa ra những lời lẽ cứng rắn đối với Mỹ suốt thời gian qua. Trả lời phỏng vấn báo chí, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ gần đây cho biết, Bắc Kinh sẵn sàng nhượng bộ nếu Mỹ thể hiện sự “chân thành”.

Trên thực tế, việc sử dụng từ “chân thành” là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang bối rối trong nỗ lực nắm bắt ý định thực sự của Tổng thống Trump. Một trong những quan điểm thường được ghi nhận từ giới chức Trung Quốc về Tổng thống Trump đó là "ông ấy thực sự muốn gì?". Đối với nhiều quan chức Trung Quốc, ông Trump hoàn toàn đối lập với hình ảnh một chính trị gia dễ điều khiển và có phần thiếu kinh nghiệm mà họ gán cho ông.

Phía sau hậu trường, một số quan chức Trung Quốc dù khẳng định quan hệ song phương mang lại lợi ích cho cả hai bên, nhưng cũng không thực sự đồng tình với tuyên bố và quan điểm cứng rắn của Chủ tịch Tập Cận Bình về các vấn đề thương mại và Biển Đông, mà họ cho là đã dẫn tới việc Mỹ ra đòn quyết liệt đối với Trung Quốc.

Bonnie Glaser, nhà phân tích về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) cho rằng, ông Tập Cận Bình ngày càng chịu sức ép từ nội bộ trước cách thức xử lý các vấn đề kinh tế cũng như quan hệ với Mỹ. “Bất cứ điều gì gây ảnh hưởng đến vị thế của Chủ tịch Tập Cận Bình và sự ổn định của chính phủ Trung Quốc thì đó sẽ là các vấn đề quan tâm hàng đầu đối với Trung Quốc”, bà Bonnie Glaser nói.

Trước công luận, nhiều quan chức Trung Quốc vẫn thể hiện quan điểm cứng rắn về vấn đề thương mại, khẳng định Bắc Kinh sẽ không chịu ngồi yên trước sức ép của Tổng thống Donald Trump. Vào tháng 9/2018, ông Fang Xinghai - Phó chủ tịch Ủy ban điều tiết chứng khoán Trung Quốc (CSRC): “Tổng thống Donald Trump là một doanh nhân đanh thép. Ông cố gắng gây sức ép đối với Trung Quốc để có được sự nhượng bộ từ các nhà đàm phán của chúng tôi. Tôi cho rằng kiểu chiến thuật này sẽ không có tác dụng đối với Trung Quốc”.

Tuy nhiên một số người lại bày tỏ lo ngại về nguy cơ xảy ra các cuộc đụng độ giữa Mỹ và Trung Quốc trong tương lai nếu cả hai nhà lãnh đạo nổi tiếng cứng rắn không sẵn lòng thỏa hiệp. Trong bối cảnh mùa đông đang tới gần, mối quan hệ Mỹ - Trung ngày càng có nguy cơ bị ngăn cách bởi bức tường băng lớn chưa từng có, và có thể cả một cuộc Chiến tranh Lạnh mới của thế kỷ 21.

Theo Hồng Anh

VOV