Trật tự kinh tế mới hình thành từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung?
Sự tranh giành ảnh hưởng bằng những “cú đấm thuế” có sức nặng từ hàng chục đến hàng trăm tỷ USD giữa hai nền kinh tế lớn nhất toàn cầu đang đưa thế giới tiến đến một trật tự kinh tế mới.
Quan hệ Mỹ - Trung sẽ ra sao?
Suốt từ đầu năm đến nay, Mỹ - Trung, hai nền kinh tế khổng lồ liên tục đe dọa và đáp trả nhau bằng những đòn áp thuế mạnh tay. Căng thẳng thương mại giữa hai cường quốc này tiếp tục được đẩy lên cao khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với số hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc trị giá 200 tỉ USD. Và gần như ngay lập tức, Bắc Kinh có tuyên bố và hành động trả đũa.
Trong tương lai gần, các nhà quan sát chưa nhận thấy có bất cứ giải pháp hoặc thỏa thuận nào khả thi. Khi cuộc đấu lan ra khắp các lĩnh vực, nhiều người lo ngại căng thẳng thương mại, về lâu dài, sẽ tạo ra xung đột quân sự giữa hai nước và có thể dẫn đến một kết thúc khó lường.
Mới đây, Atlantic - tờ báo hàng đầu nước Mỹ đã có bài viết lo ngại: “Chiến tranh thuế giữa Mỹ - Trung Quốc làm dấy lên lo ngại Chiến tranh Lạnh về kinh tế”.
Còn tờ New York Times cho rằng, Mỹ và Trung Quốc đã leo đến “đỉnh điểm” của một cuộc “Chiến tranh Lạnh kiểu mới”.
Có lẽ, nhìn chung dư luận đều dự đoán tương tự như hai tờ báo lớn của Mỹ về một tương lai Mỹ - Trung sẽ Chiến tranh Lạnh, từ đó chia rẽ nền kinh tế toàn cầu thành hai cực. Tuy nhiên, trên thực tế, điểm dừng của cả Washington và Bắc Kinh trong 1 thập kỷ tới lại phức tạp hơn nhiều.
Mỹ và Trung Quốc đang tạo ra một tình huống mập mờ - không hẳn chia rẽ hoàn toàn kinh tế giống như quan hệ Mỹ - Xô thời kỳ đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh trước đây nhưng cũng không còn duy trì mức độ cao phụ thuộc lẫn nhau như đầu thế kỷ XXI.
Điều này đồng nghĩa, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung còn lâu mới tới hồi kết và sẽ tạo ra nhiều điều khác biệt trong mối quan hệ kinh tế song phương so với trước đây nhưng chắc chắn hai nước vẫn phải liên quan với nhau về kinh tế.
Theo tờ The Atlantic, mối quan hệ mới giữa Bắc Kinh và Washington trong tương lai sẽ là: Mỹ tiếp tục thúc đẩy lập trường kinh tế cứng rắn hơn đối với Trung Quốc. Bức tranh chính trị nội bộ Bắc Kinh ngày càng phức tạp. Cả hai nước sẽ đều công nhận việc cần thiết phải đa dạng hóa một cách lành mạnh các quan hệ kinh tế của mỗi nước. Nếu nói rộng hơn thì những yếu tố trên sẽ tạo thành nền tảng trật tự mới của thế giới.
Mỹ phải chấp nhận không còn là bá chủ
Ở trật tự mới, thế giới sẽ phải làm quen và chấp nhận với sự thật đó là kỷ nguyên Mỹ bá chủ đã chấm dứt. Toàn cầu đang chuyển sang một trật tự đa cực mới, trong đó Washington cùng Bắc Kinh là trung tâm.
Điều này từng được khẳng định trong bài phân tích của hai chuyên gia Robert Muggah, người đồng sáng lập Tổ chức SecDev và Viện Igarape và Yves Tiberghien, Phó giáo sư về Khoa học Chính trị, Giám đốc Danh dự của Viện Nghiên cứu châu Á tại UBC. Bài phân tích này nằm trong chuỗi bài viết nghiên cứu về tương lai trật tự thế giới mới, đăng tải trên Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
Và khi ấy, theo các chuyên gia, vai trò của các cơ chế hợp tác quốc tế (như G20), các tổ chức trong khu vực cần phải được đẩy lên cao để kéo hai nền kinh tế hàng đầu lại với nhau.
Cũng trong bối cảnh tương lai đó, cả Mỹ và Trung Quốc sẽ bảo vệ công nghệ giá trị cao, có tầm quan trọng với lợi ích quốc gia, phát triển dư thừa chuỗi cung và tiếp tục liên kết với các quốc gia tầm trung mới nổi ở Đông Nam Á và khu vực tiểu vùng Sahara ở châu Phi.
Về lâu dài, Trung Quốc và Mỹ vẫn có thể đa dạng hóa quan hệ kinh tế một cách lành mạnh hơn, từ đó tạo ra một con đường dẫn tới một trật tự kinh tế mới lạ, có vẻ ổn định hơn.
Theo Trang Trần
Báo Giao Thông