1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Quan hệ hữu nghị Việt - Triều và hai chuyến thăm Việt Nam của lãnh tụ Kim Nhật Thành

(Dân trí) - Mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Triều Tiên được vun đắp qua nhiều năm. Lãnh tụ Kim Nhật Thành từng 2 lần thăm Việt Nam, và Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng đến thăm Bình Nhưỡng.

ttxvn_chutichhcmtrieutien_1.jpg

Người dân Thủ đô Bình Nhưỡng nồng nhiệt chào đón Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến thăm năm 1957 (Ảnh: TTXVN)

Quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Triều Tiên được khởi nguồn từ rất sớm. Triều Tiên là một trong những nước đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, vào ngày 30/1/1950.

Sau khi kết thúc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), Triều Tiên tranh thủ sự hỗ trợ của Liên Xô và Trung Quốc, đã duy trì và phát triển nền kinh tế tập trung xã hội chủ nghĩa, thu được một số thành tựu nhất định trong thập kỷ 60 và 70 của thế kỷ 20, nhất là phát triển cơ sở hạ tầng, khai khoáng, công nghiệp nặng...

Mối quan hệ giữa hai nước được tăng cường khi Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Triều Tiên vào năm 1957. Theo TTXVN, người dân Thủ đô Bình Nhưỡng nồng nhiệt chào đón Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ Việt Nam sang thăm hữu nghị từ ngày 8-12/7/1957. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Kim Nhật Thành khi đó đã tham dự cuộc míttinh trọng thể của nhân dân thủ đô Bình Nhưỡng, chào mừng chuyến thăm đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam.

Một năm sau đó, Thủ tướng Kim Nhật Thành đã thăm chính thức Việt Nam từ ngày 27/11-3/12/1958. Trong số các địa điểm mà ông Kim Nhật Thành đã tới thăm có Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam và nhà máy dệt tại Nam Định.

Ho Chi Minh.JPG

Chủ tịch Hồ Chí Minh trò chuyện với Thủ tướng Kim Nhật Thành tại Bình Nhưỡng năm 1957 (Ảnh: Hani)

Trong thời gian từ 1964-1969 khi cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam diễn ra ác liệt, Triều Tiên đã có các hỗ trợ quân sự và cử các phi công tới Việt Nam học tập và chiến đấu. Gần 100 phi công đã được cử tới Việt Nam, nhiều trong số họ đã tham gia chiến đấu chủ yếu trên vùng trời ven Hà Nội như Vĩnh Phúc, Hải Dương và Hưng Yên. Đến năm 1968, 14 phi công Triều Tiên đã anh dũng hi sinh khi chiến đấu sát cánh với bộ đội miền Bắc. Các phi công Triều Tiên hi sinh đã được an táng tại tỉnh Bắc Giang và được đưa về Triều Tiên vào năm 2002. Nơi an táng các phi công Triều Tiên sau đó đã được tôn tạo thành một nghĩa trang liệt sĩ để tưởng nhớ họ.

Vào năm 1964, ông Kim Nhật Thành trở lại Việt Nam trong chuyến thăm không chính thức. Khi đó, ông Kim Nhật Thành đã tới thăm vịnh Hạ Long.

Trong chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam, ông Kim Nhật Thành đã đi bằng tàu hỏa qua Trung Quốc tới Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, nơi ông lên máy bay để tới Hà Nội. Trong chuyến thăm lần 2 vào năm 1964, ông Kim Nhật Thành đã sử dụng một máy bay mượn của Trung Quốc bay từ Bình Nhưỡng tới Hà Nội. Trên đường đi, ông cũng dừng lại tại một số thành phố ở Trung Quốc.

Trong những năm 1960, đầu 1970, Triều Tiên đã giúp đào tạo hàng trăm sinh viên, cán bộ của Việt Nam. Sau chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều quan chức cấp cao của Việt Nam cũng có các chuyến thăm Triều Tiên. Thủ tướng Phạm Văn Đồng (6/1961), Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công (9/1988), Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (5/1997), Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Di Niên (8/2000), Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (16-18/10/2007)…

Sau khi Liên Xô tan rã, Triều Tiên gặp nhiều khó khăn, nhất là về năng lượng và lương thực. Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Triều Tiên, chính phủ Việt Nam đã tặng gạo cho Triều Tiên: 1.000 tấn vào năm 2000, 5.000 tấn vào năm 2001, 5.000 tấn vào năm 2002, 1.000 tấn gạo và 5 tấn cao su nguyên liệu vào năm 2005.

Sau khi lên nắm quyền vào cuối năm 2011, Chủ tịch Kim Jong-un đã đề ra Chiến lược phát triển mới với 2 trọng tâm là phát triển kinh tế kết hợp tăng cường tiềm lực hạt nhân. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII Đảng Lao động Triều Tiên (ngày 6-9/5/2016), Triều Tiên nhấn mạnh phải tập trung tổng lực để xây dựng cường quốc kinh tế; đề ra Chiến lược phát triển đất nước 5 năm giai đoạn 2016-2020, phấn đấu đưa Triều Tiên trở thành “cường quốc kinh tế” tự lực, tự cường, lấy khoa học công nghệ làm đòn bẩy.

Trong bài phát biểu đầu năm mới 2018, Chủ tịch Kim Jong-un nhấn mạnh Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân có trách nhiệm, sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân nếu không bị các thế lực xâm lược, thù địch xâm phạm; sẽ không đe dọa hạt nhân bất cứ quốc gia nào. Triều Tiên sẽ phát triển quan hệ hữu nghị với tất cả các nước tôn trọng chủ quyền và đối xử hữu nghị với Triều Tiên; tích cực nỗ lực trong việc xây dựng thế giới mới hòa bình và công bằng.

Tại Hội nghị trung ương 3 khóa 7 Đảng Lao động Triều Tiên (20/4/2018), Triều Tiên xác định nhiệm vụ hiện nay là tập trung tổng lực xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa, nâng cao hơn nữa đời sống nhân dân.

Về thương mại, theo thống kê sơ bộ, năm 2017 Việt Nam xuất siêu sang Triều Tiên 7,322 triệu USD (chủ yếu là thực phẩm, bánh kẹo) và không có số liệu nhập khẩu từ Triều Tiên. Do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan, giao dịch thương mại giữa hai nước chủ yếu được thực hiện thông qua trung gian (Trung Quốc), quy mô giao dịch nhỏ, không ổn định.

Về hợp tác liên doanh giữa hai nước, giữa năm 1993, hai nước đã khánh thành giai đoạn 1 Nhà máy ươm tơ tằm (vốn khoảng 3,5 triệu USD) ở Hải Dương, với nguyên liệu do Việt Nam cung cấp và máy móc (nhập từ Nhật) do phía Triều Tiên cung cấp. Năm 1994, phía Việt Nam rút khỏi liên doanh, chỉ còn phía Triều Tiên kinh doanh độc lập. Năm 2001 Triều Tiên đã bán Nhà máy cho phía Việt Nam. Việt Nam không có dự án đầu tư tại Triều Tiên.

Ủy ban Giáo dục Triều Tiên và Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đang thúc đẩy ký Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực giáo dục. Từ 2013, cứ hai năm một lần, Bộ Văn hoá của Việt Nam đều cử đoàn nghệ thuật sang Triều Tiên dự Liên hoan nghệ thuật mùa xuân tháng 4 tổ chức tại Bình Nhưỡng.

Hai nước đã ký nhiều Hiệp định quan trọng như Hiệp định vận tải biển, Hiệp định thương mại, Hiệp định tương trợ tư pháp, Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần.

ttg-trieu-tien-15436671679862133332833.jpg

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp đón Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong Ho tại Hà Nội tháng 12/2018 (Ảnh: VGP)

Trong chuyến thăm Việt Nam cuối năm 2018, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong Ho đã khẳng định, lập trường nhất quán của Đảng, Chính phủ Triều Tiên là tiếp tục củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước, tài sản quý báu do Chủ tịch Kim Nhật Thành và Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng và vun đắp; nhấn mạnh mong muốn tăng cường giao lưu, hợp tác trên các lĩnh vực theo nhu cầu và tiềm năng của hai nước, phù hợp với sự phát triển của tình hình mới.

Hồi giữa tháng này, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có thăm chính thức Triều Tiên, trong đó ông khẳng định Việt Nam sẽ nỗ lực cùng Triều Tiên thúc đẩy giao lưu, hợp tác trên các lĩnh vực phù hợp với tiềm năng và lợi ích của mỗi nước, quy định của mỗi nước cũng như quốc tế, vì hòa bình, phát triển của khu vực và trên thế giới. Việt Nam sẵn sàng chia sẻ với Triều Tiên kinh nghiệm xây dựng đất nước, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế trên cơ sở các đề nghị của Triều Tiên.

Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 23/2 ra thông báo cho biết: "Nhận lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên, Chủ tịch Uỷ ban Quốc vụ nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên Kim Jong-un sẽ thăm hữu nghị chính thức Việt Nam trong những ngày sắp tới".

Vào sáng 26/2, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã tới Việt Nam trên đoàn tàu bọc thép khởi hành từ Bình Nhưỡng. Tại Hà Nội, Chủ tịch Kim Jong-un dự kiến sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam. Ông cũng sẽ có các cuộc họp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào 2 ngày 27-28/2.

An Bình

Tổng hợp