Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un sắp thăm chính thức Việt Nam

(Dân trí) - Nhận lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên, Chủ tịch Uỷ ban Quốc vụ nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên Kim Jong-un sẽ thăm hữu nghị chính thức Việt Nam trong những ngày sắp tới.

Thông tin trên được Bộ Ngoại giao Việt Nam phát đi vào trưa ngày hôm nay (23/2).

Kim Jong-un.jpg
Chủ tịch Triều Tiên KIm Jong-un (Ảnh: Reuters)

 

Chuyến thăm hữu nghị chính thức của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tới Việt Nam được Bộ Ngoại giao công bố trong bối cảnh sắp diễn ra Hội nghị thượng đỉnh lần 2 giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hà Nội, ngày 27- 28/2.

Đây là chuyến thăm hữu nghị chính thức đầu tiên của ông Kim Jong-un tới Việt Nam kể từ khi lên nắm quyền Chủ tịch Triều Tiên vào năm 2011. Chuyến thăm cũng ghi dấu mốc quan trọng khi ông là nhà lãnh đạo Triều Tiên đầu tiên thăm chính thức Việt Nam trong 61 năm qua.

Việt Nam và Triều Tiên thiết lập quan hệ ngoại giao năm 31/1/1950. Trong lịch sử 69 năm, quan hệ ngoại giao Việt Nam - Triều Tiên đã từng có rất nhiều chuyến thăm chính thức và không chính thức của lãnh đạo cấp cao hai nước.

Về phía Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh có chuyến thăm hữu nghị chính thức đầu tiên tới Tiều Tiên vào ngày 8-12/7/1957. Tháng 6/1961, Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm hữu nghị chính thức Triều Tiên.

52713013_775249416181353_25736388930437120_n.jpg

Chủ tịch Hồ Chí Minh và lãnh đạo Kim Nhật Thành tại Bình Nhưỡng năm 1957. (Ảnh: Hani)

Ngày 09/9/1988, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công dự Quốc khánh Triều Tiên và trao Huân chương Sao vàng cho Chủ tịch Kim Nhật Thành. Tháng 5/2002, Chủ tịch nước Trần Đức Lương thăm hữu nghị chính thức Triều Tiên.

Tháng 9/2007, ông Phạm Thế Duyệt, Chủ tịch Mặt trận tổ quốc Việt Nam thăm Triều Tiên. Từ ngày 16-18/10/2007, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thăm hữu nghị chính thức Triều Tiên. Từ ngày 6-9/10/2008, Ủy viên Bộ chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh và đoàn đại biểu cấp cao Bộ Công an thăm CHDCND Triều.

Gần đây nhất, từ ngày 12 - 14/2/2019, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh thăm Triều Tiên theo lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho.

Về phía Triều Tiên, nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành - người sáng lập đất nước Triều Tiên chuyến thăm đầu tiên đến Việt Nam từ 27/11-3/12/1958.

Nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành cũng có chuyến thăm không chính thức tới Việt Nam vào năm 1964.

Tháng 1/1992, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Kim Yong Nam thăm Việt Nam. Tháng 4/1997, Phó Thủ tướng Công Chin The thăm Việt Nam. Tháng 3/2000, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Triều Tiên Pec Nam Sun thăm Việt Nam.

Tháng 4/2001, Uỷ viên dự khuyết Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng, Chủ tịch Hội nghị nhân dân tối cao Triều Tiên Chuê The Bôc dự Đại hội IX Đảng Cộng sản Việt Nam. Cũng trong tháng 7/2001, Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Hội nghị nhân dân tối cao Triều Tiên Kim Yong Nam thăm hữu nghị chính thức Việt Nam.

Tháng 10/2007, Thủ tướng nội các Triều Tiên Kim Yong Il thăm hữu nghị chính thức Việt Nam. Ngày 6-28/7/2008, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pac Ưi Chun thăm Việt Nam.

Chuyến thăm chính thức tới Việt Nam gần đây nhất của phía Triều Tiên diễn ra tháng 12/2018 của Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong Ho.

Nhấn mạnh về quan hệ Việt Nam - Triều Tiên hiện nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn củng cố, phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống với Đảng, Chính phủ và nhân dân Triều Tiên.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam sẵn sàng cùng Chính phủ và nhân dân Triều Tiên tiến hành giao lưu, hợp tác trên các lĩnh vực vì lợi ích của nhân dân hai nước, phù hợp với luật pháp quốc tế và xu thế chung của thời đại, góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. 

Giới chức Triều Tiên trong chuyến thăm chính thức Việt Nam mới đây cũng khẳng định lập trường nhất quán của Đảng, Chính phủ Triều Tiên là tiếp tục củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước, tài sản quý báu do Chủ tịch Kim Nhật Thành và Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng và vun đắp; nhấn mạnh mong muốn tăng cường giao lưu, hợp tác trên các lĩnh vực theo nhu cầu và tiềm năng của hai nước, phù hợp với sự phát triển của tình hình mới.

 

Châu Như Quỳnh