1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Quân đội Thái Lan giải tán Thượng viện, nắm quyền lập pháp

(Dân trí) - Tiếp tục các nỗ lực thâu tóm quyền lực, quân đội Thái Lan ngày 24/5 đã tuyên bố giải tán Thượng viện và đặt mọi quyền lập pháp trong tay các chỉ huy quân đội, trong bối cảnh quốc tế ngày càng phản ứng mạnh mẽ vụ đảo chính quân sự.

Nhiều người dân Thái Lan đã xuống đường phản đối đảo chính
Nhiều người dân Thái Lan đã xuống đường phản đối đảo chính

Theo hãng tin AFP, ngoài tuyên bố trên, quân đội Thái Lan cũng xác nhận việc cựu thủ tướng Yingluck Shinawatra đã bị bắt giữ cùng hàng chục lãnh đạo chính phủ khác. Những người này sẽ bị giam giữ tối đa 1 tuần

“Thượng viện đã bị giải tán. Tránh nhiệm lập pháp đối với bất kỳ đạo luật nào cần sự phê duyệt của quốc hội hay thượng viện thay vào đó sẽ do lãnh đạo (quân sự) đảm trách”, bản tin của quân đội trên truyền hình quốc gia khẳng định.

Kể từ năm 1932 đến nay, nền dân chủ mong manh của Thái Lan đã liên tục phải đối diện với 19 vụ đảo chính hoặc mưu đồ đảo chính.

Các nhà phân tích xem những diễn biến trong ngày thứ Bảy là dấu hiệu cho thấy lực lượng đảo chính do tư lệnh quân đội, tướng Prayut Chan-O-Cha chỉ huy, có thể đang chuẩn bị cho việc nắm quyền lực lâu dài và toàn diện, bởi trước đó họ từng tuyên bố thượng viện sẽ tiếp tục tồn tại.

Các cuộc biểu tình lẻ tẻ tại Bangkok đã nổ ra trong ngày thứ hai liên tiếp, với hàng trăm người biểu tình bất chấp lệnh cấm tụ tập chính trị, để lên án đảo chính, giữa lúc Mỹ, EU và nhiều quốc gia khác trên thế giới đang yêu cầu khôi phục chính quyền dân sự.

Prayut giành lấy quyền lực hôm thứ Năm, sau khi các lực lượng chống chính phủ đã có nhiều tháng biểu tình, trong đó có những cuộc đụng độ chết người tại Bangkok, với mục tiêu lật đổ các nhà lãnh đạo của chính phủ dân sự.

Các quyền tự do dân sự đã bị hạn chế, truyền thông bị cấm hoạt động, hầu hết hiến pháp bị đình chỉ, còn người biểu tình của cả hai phe đã bị giải tán khỏi Bangkok.

Các nhà phân tích chính trị xem cuộc đảo chính như một phần trong nỗ lực lâu dài của các lực lượng chính trị tại Bangkok, với tư tưởng thân hoàng gia và quân đội để loại bỏ sự lấn át về chính trị của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra

Thaksin, một tỷ phú ngành truyền thông, đã khiến chính trường Thái Lan rung chuyển khi nhận được sự tin tưởng từ hàng triệu nông dân nghèo thông qua các biện pháp dân túy, giúp ông giành chức thủ tướng năm 2001. Nhưng đến năm 2006 ông đã bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự và phải chạy ra nước ngoài 2 năm sau đó để tránh bị buộc tội tham nhũng.

Tuy nhiên gia đình và các đồng minh của ông vẫn tiếp tục duy trì thành quả đạt được trong các cuộc bầu cử sau đó.

Trong ngày thứ Bảy, quân đội cho biết tướng Prayut đã trình một lá thứ lên nhà vua Bhumibol Adulyadej để lý giải về vụ đảo chính.

Quân đội cũng khẳng định đức vua “đã nhận” bức thư của ông Prayut, nhưng không cho biết phản ứng của nhà vua là gì.

Pavin Chachavalpongpun, một nhà nghiên cứu chính trị Thái Lan tại đại học Kyoto, Nhật Bản cho biết nhận định chung đối với hành động thâu tóm quyền lập pháp đó là có khả năng xảy ra tình trạng “độc tài toàn diện hoặc chủ nghĩa quân sự chuyên quyền”.

“Với việc nắm toàn bộ quyền hành pháp, lập pháp và các nhánh tư pháp, và giờ đến lượt Thượng viện, nó cho thấy quân đội đang tự đặt mình vào vị trí quyền lực cao nhất”, ông Chachavalpongpun khẳng định.

Thanh Tùng
Theo AFP