Quân đội nghi tấn công nhóm vũ trang, Myanmar đối mặt nguy cơ nội chiến
(Dân trí) - Trong lúc phong trào biểu tình phản đối đảo chính tháng 2 qua chưa hạ nhiệt, giới quan sát lo ngại về nguy cơ xảy ra nội chiến ở Myanmar sau khi quân đội và nhóm vũ trang đối lập tấn công lẫn nhau.
Một nhóm vũ trang có tên gọi Tổ chức Liên minh Quốc gia Karen (KNU) hôm 29/3 xác nhận rằng, 10.000 thường dân đã di tản tới nơi an toàn hồi cuối tuần qua sau khi quân đội Myanmar bị nghi đã không kích vào các vị trí của KNU, làm 3 người chết.
KNU là một trong những nhóm phiến quân lớn nhất Myanmar đối đầu với quân đội và nhóm này hiện đang kiểm soát một khu vực ở phía đông nam giáp biên giới Thái Lan.
Theo Bloomberg, động thái của quân đội Myanmar diễn ra nhằm trả đũa một vụ tấn công của các phiến quân người Karen vào một căn cứ quân sự làm 10 binh sĩ thiệt mạng và 8 người khác bị bắt.
Các động thái tấn công qua lại giữa 2 lực lượng khiến giới quan sát lo ngại về kịch bản Myanmar - quốc gia đang rối ren vì phong trào biểu tình lan rộng - có thể rơi vào một cuộc khủng hoảng khác do nội chiến.
Vụ tấn công của quân đội Myanmar diễn ra vào cùng ngày ít nhất 114 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình phản đối đảo chính quân sự. Quân đội đã sử dụng hơi cay, vòi rồng, đạn cao su và cả đạn thật để giải tán đám đông.
Gần 500 người đã thiệt mạng trong gần 2 tháng qua kể từ khi xảy ra cuộc đảo chính hôm 1/2.
Mâu thuẫn giữa các sắc tộc
Giới chuyên gia cảnh báo, có khả năng xảy ra phong trào biểu tình quần chúng có thể dẫn tới kịch bản xảy ra nội chiến hoặc chiến tranh giữa các vùng. Do tính đặc thù của khu vực biên giới Myanmar, các cuộc đối đầu thậm chí có thể lan sang biên giới quốc tế.
Theo Bloomberg, phong trào biểu tình ở Myanmar ủng hộ chính phủ dân sự đã kêu gọi các nhóm dân tộc thiểu số đang quản lý các khu vực khác nhau trên lãnh thổ nước này hợp tác để gây sức ép cho quân đội. Hôm 18/3, lực lượng quân đội Kachin độc lập, nhóm vũ trang trước đó đã kêu gọi quân đội ngừng các biện pháp đối phó người biểu tình, đã tấn công vào ít nhất tiểu đoàn cảnh sát ở bang Kachin, theo Myanmar Now.
Các nhóm vũ trang ở Myanmar đã cảnh báo sẽ hành động nếu tiếp tục có người biểu tình thiệt mạng.
Kể từ khi giành độc lập từ Anh năm 1948, Myanmar đã gặp trở ngại trong việc thống nhất hàng loạt nhóm dân tộc thiểu số, do tồn tại nhiều mâu thuẫn giữa các nhóm, trong đó bao gồm cả lý do sắc tộc, với quân đội Myanmar - lực lượng có nòng cốt là người dân tộc Miến Điện.
Theo Bloomberg, Myanmar hiện có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn, các nhóm dân quân có vũ trang, trong một nhà nước công nhận sự tồn tại của 135 nhóm dân tộc thiểu số. Trong số đó, có khoảng 20 nhóm vũ trang dân tộc thiểu số có cả hệ thống chính trị và quân sự.
Vì vậy, trong tình hình rối ren như hiện tại, các chuyên gia cảnh báo về nguy cơ, xung đột nội bộ giữa quân đội và các nhóm vũ trang cũng như phiến quân có thể leo thang và bùng phát một cuộc đối đầu mới.
Theo Bloomberg, quân đội Myanmar được cho cũng đang thực hiện các nỗ lực nhằm lôi kéo một số nhóm dân tộc thiểu số có lực lượng vũ trang nhằm đảm bảo những nhóm này không hợp tác với nhau chống lại chính quyền quân sự.