1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Quan chức EU cảnh báo nguy cơ xung đột trực tiếp với Nga

Đức Hoàng

(Dân trí) - Quan chức EU nói về nguy cơ liên minh và Nga có thể đối đầu trên chiến trường trong những năm tới.

Quan chức EU cảnh báo nguy cơ xung đột trực tiếp với Nga - 1

Ông Andrius Kubilius (Ảnh: EPA).

EU và Nga có thể đối đầu nhau trên chiến trường trong vòng chưa đầy 10 năm nữa, ông Andrius Kubilius, tân Ủy viên EU về Quốc phòng và Không gian, cho biết. Ông Kubilius, cựu thủ tướng Litva, là một chính trị gia có lập trường cứng rắn về quan hệ với Moscow.

Theo ông Kubilius, EU cần phải tăng cường sản xuất quốc phòng và tích trữ dự trữ để có thể "tự vệ" trước các mối đe dọa trong tương lai.

"Nếu bạn muốn hòa bình, hãy chuẩn bị cho chiến tranh", ông cho biết, đồng thời kêu gọi thành lập "Liên minh Quốc phòng châu Âu" và khuyến khích đầu tư vào "công nghệ quốc phòng trong tương lai".

"Chúng ta phải sẵn sàng cho kịch bản đối đầu với Nga về mặt quân sự trong vòng 6-8 năm nữa. EU, NATO và cùng với các quốc gia thành viên, phải tăng cường sản xuất quốc phòng, tăng cường tích trữ và tiếp tục giúp đỡ Ukraine", ông nói thêm.

Theo quan chức này, các đối thủ của EU đang "theo dõi chặt chẽ" liệu liên minh sẽ "thành công hay thất bại" trong nỗ lực nói trên.

Ông Kubilius không phải là chính trị gia EU duy nhất cảnh báo về kịch bản EU có thể nổ ra xung đột với Nga trong những năm tới. Vào tháng 2, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đã nói trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg rằng Nga có thể tấn công NATO "trong 5 đến 8 năm nữa".

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần tuyên bố rằng Nga chưa bao giờ có kế hoạch tấn công NATO, nhấn mạnh Nga không có bất cứ lợi ích gì từ điều này.

Hồi tháng 7, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen cho biết bà sẽ thúc đẩy thành lập liên minh quốc phòng riêng của EU, với các dự án về phòng không và an ninh mạng.

Theo truyền thống, chính sách quốc phòng ở châu Âu thường được định hình bởi chính phủ từng quốc gia và NATO.

Nhưng sau khi chiến sự ở Ukraine nổ ra và việc ứng cử viên Donald Trump có thể đắc cử tổng thống Mỹ vào năm nay, châu Âu hoài nghi về mức độ cam kết bảo vệ an ninh của Washington nếu ông Trump trở lại Nhà Trắng. Vì vậy, Ủy ban châu Âu đang tìm cách thúc đẩy nhiều dự án phòng thủ chung của châu lục.

Sau phát biểu này, phía Nga đã lên tiếng cảnh báo. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết ý tưởng của bà von der Leyen là bằng chứng tiếp theo cho thấy EU đang tìm cách leo thang tình hình an ninh tại châu Âu.

Quan chức Kremlin nhận định, phát biểu của bà phản ánh "sự thay đổi ưu tiên" của EU để tập trung nhiều hơn vào lĩnh vực quân sự. Ông cáo buộc, điều này "một lần nữa khẳng định rằng các quốc gia châu Âu nói chung đang thúc đẩy quân sự hóa, leo thang căng thẳng và phụ thuộc vào các phương pháp đối đầu trong chính sách đối ngoại của họ".

Theo RT