1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nỗ lực "tiếp sức" của EU cho Ukraine trong cuộc đối đầu với Nga

Ngô Tiến Long

(Dân trí) - Liên minh châu Âu (EU) dường như đang tiếp bước Mỹ trở thành nguồn lực hỗ trợ chính cho Ukraine trong cuộc chiến khốc liệt với Nga.

Nỗ lực tiếp sức của EU cho Ukraine trong cuộc đối đầu với Nga - 1

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tham dự cuộc họp báo chung ở Kiev ngày 20/9 (Ảnh: Reuters).

Ngày 20/9, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã đến Kiev hội đàm với Tổng thống Volodymyr Zelensky. Tại cuộc họp báo chung, người đứng đầu Ủy ban châu Âu tái khẳng định sự ủng hộ của châu Âu dành cho Ukraine, đồng thời cho biết Liên minh châu Âu (EU) sẽ cấp cho Ukraine khoản vay trị giá 35 tỷ euro (khoảng gần 40 tỷ USD) lấy từ tiền lãi của khối tài sản 300 tỷ USD của Nga đang bị đóng băng trong các ngân hàng châu Âu.

Tuy nhiên, Mỹ giữ thái độ thận trọng hơn và tuyên bố sẽ không tham gia đóng góp vào khoản vay trên vì lo ngại sẽ phải xử lý nhiều rủi ro đi kèm trong tương lai.

Đây đã là chuyến thăm Kiev thứ 8 của bà Ursula von der Leyen. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Ukraine ngày càng chịu nhiều tổn thất lớn trên hầu khắp các mặt trận, nhất là tại chiến trường Donbass và khu vực phía tây nam, trong khi ở vùng Kursk phía tây bắc Nga giáp với vùng Sumi của Ukraine, Nga đang dần giành lại lợi thế tại những khu vực mà trước đó Kiev tuyên bố đã giành được quyền kiểm soát.

Theo các nhà quan sát, khoản cho vay mới nhất mà EU vừa công bố sẽ giúp hỗ trợ Kiev vượt qua mùa đông được dự báo là rất ảm đạm đang tới và mang lại hy vọng kéo dài về thời gian cầm cự cho Ukraine trên các chiến trường, nhất là khi nước này ngày càng cạn kiệt nguồn lực để trang bị thêm vũ khí và xây dựng lại cơ sở hạ tầng năng lượng bị hư hại do các cuộc tấn công của Nga.

Không chỉ vậy, trước chuyến thăm trên, Nghị viện châu Âu đã thông qua một nghị quyết kêu gọi các nước thành viên dỡ bỏ những hạn chế để quân đội Ukraine có thể sử dụng các loại vũ khí được cung cấp tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga. Tuy nghị quyết không có tính ràng buộc, nhưng cũng đủ khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng các nhà lãnh đạo khác ở Moscow phản ứng quyết liệt, coi đó là "lằn ranh đỏ" đánh dấu việc phương Tây trực tiếp tham chiến chống lại Nga, do vậy Moscow sẽ sử dụng mọi biện pháp để đáp lại, kể cả sử dụng vũ khí hạt nhân.

Châu Âu hiện tại chưa có phản ứng mới trước tuyên bố trên của ông Putin và dường như tiếp tục "nắn gân" Nga vì cho đến nay họ đã nhiều lần phớt lờ cảnh báo của Moscow. Theo Tổng Thư ký NATO sắp mãn nhiệm Jens Stoltenberg, Nga vẫn luôn "đe dọa" như vậy, nhưng cuối cùng vẫn không có gì đặc biệt xảy ra.

Mặc dù vậy, lần này có thể sẽ rất khác, không phải chỉ vì sự cương quyết và nghiêm túc trong phản ứng của Moscow, mà còn vì lịch sử đã cho thấy, Nga đã phản ứng mạnh mẽ như thế nào mỗi khi rơi vào thế bị dồn đến chân tường.

Hành động trên của EU thực ra không phải quá bất ngờ. Ngoài Đức là nước đã sớm tuyên bố dứt khoát không cho phép Ukraine dùng tên lửa Taurus của mình để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga, Anh cũng cho thấy sẵn sàng đồng ý để Kiev dùng tên lửa Storm Shadow do London cung cấp và Thủ tướng Anh Keir Starmer còn đích thân tiến hành một chuyến đi tới Washington để vận động, thuyết phục chính quyền Mỹ làm điều tương tự.

Pháp đang đau đầu đối phó với khủng hoảng chính trị sau khi buộc phải giải tán quốc hội vào tháng 6, dẫn đến thất bại tiếp theo là một Nghị viện treo đang phải tập trung giải quyết hiện nay. Đầu năm nay, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, lãnh đạo một quốc gia EU, nhiều lần công khai kêu gọi các nước phương Tây gửi quân sang Ukraine tham chiến. Trong số các nước vừa và nhỏ còn lại trong EU, nổi bật hơn cả là Ba Lan và các nước Bắc Âu, các nước Baltic thuộc Liên Xô cũ khi cơ bản tiếp tục giữ quan điểm ủng hộ giúp đỡ Kiev mạnh nhất có thể để Ukraine giành chiến thắng trong cuộc đối đầu với Nga hiện nay.

Nỗ lực tiếp bước Mỹ

Nỗ lực tiếp sức của EU cho Ukraine trong cuộc đối đầu với Nga - 2

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen gặp gỡ các thành viên của Cơ quan Tình trạng Khẩn cấp Ukraine trong buổi lễ bàn giao máy phát điện và thiết bị cứu hộ ở Kiev hôm 20/9 (Ảnh: Reuters).

Theo đánh giá của ông Jacob Kirkegaard, thành viên Viện Kinh tế Quốc tế Peterson có trụ sở tại Brussels, khoản vay mới nhất mà bà Ursula von der Leyen vừa công bố là dấu hiệu cho thấy EU đang từng bước "trở thành bên ủng hộ chính của Ukraine". Thực ra, Washington dường như đã chủ động "nhường" cho EU vị thế hàng đầu này, ít nhất trong giai đoạn hiện nay, khi kiên quyết nói "không" với tất cả những yêu cầu tăng cường hỗ trợ Ukraine về kinh tế và gỡ bỏ ngay sự hạn chế không cho phép quân đội Ukraine dùng vũ khí tầm xa của phương Tây để tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga.

Việc Mỹ có thái độ thận trọng hơn có thể xuất phát từ một số lý do như: Lo ngại leo thang xung đột với Nga, áp lực chính trị nội bộ trước thềm bầu cử tổng thống và nhận thức được tính nghiêm túc trong cảnh báo của Nga.

Lập trường của Mỹ trên vấn đề Ukraine gần đây đã có những thay đổi nhất định. Theo đánh giá của ông Andrey Kortunov, giám đốc Hội đồng các vấn đề quốc tế của Nga (RIAC), mặc dù Mỹ vẫn thể hiện sự ủng hộ đối với Ukraine, tuyên bố của Washington về cách chấm dứt xung đột đang dần thay đổi.

Mỹ đang giảm dần kỳ vọng về một chiến thắng quân sự hoàn toàn của Ukraine. Sau khi cuộc phản công của Ukraine vào mùa hè 2023 không mang lại kết quả như phương Tây kỳ vọng, Mỹ và các quốc gia châu Âu bắt đầu nghiêng về ý tưởng tìm kiếm một giải pháp thông qua đối thoại và nhượng bộ. Cũng theo ông Kortunov, sự thay đổi quan điểm của Mỹ không đồng nghĩa với việc lập tức điều chỉnh chính sách, nhưng nó phản ánh một thực tế rằng Washington đang cân nhắc những giải pháp khác nhau để chấm dứt xung đột.

Trong khi đó, giao tranh trên tất cả mặt trận đang diễn ra rất ác liệt và quân đội Nga vẫn đang tiến nhanh về phía Pokrovsk, đồng thời đe dọa bao vây các lực lượng Ukraine ở Kursk. Ngoài ra, các cuộc tấn công của Nga vào các nhà máy điện trên toàn lãnh thổ Ukraine đã gia tăng trong những tháng gần đây khiến sản lượng điện của nước này chỉ còn bằng khoảng 1/3 trước khi nổ ra xung đột. Theo ông Fatih Birol, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế, "mùa đông năm nay sẽ là thử thách khắc nghiệt nhất từ trước đến nay". Để hỗ trợ Ukraine khắc phục khó khăn trên, EU cũng dự kiến sẽ hỗ trợ sửa chữa hạ tầng điện năng và xuất khẩu thêm điện sang Ukraine.

Trước viễn cảnh dù ai giành quyền nắm giữ Nhà Trắng sau bầu cử tổng thống đầu tháng 11 này, việc Mỹ hỗ trợ cho Ukraine đều sẽ giảm đi, nhất là nếu cựu Tổng thống Donald Trump giành chiến thắng, một mình châu Âu rõ ràng sẽ không thể cáng đáng nổi nỗ lực bảo vệ Ukraine.

Trục Pháp - Đức vốn luôn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của EU, hiện tại cả hai đều đang phải đối phó với khủng hoảng chính trị rất phức tạp và sâu sắc ở trong nước nên các hoạt động quốc tế chắc chắn sẽ không còn được ưu tiên cao, đặc biệt là khi Berlin và Paris ngày càng tỏ ra đang không cùng nhìn về một hướng trên nhiều vấn đề trọng yếu.

Trong bối cảnh đó, việc EU đang thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ với Ukraine và tỏ quan điểm rất "rắn" với Nga là điều khó hiểu nếu đây không phải là một sự "gồng mình chiến thuật" với hy vọng tạo áp lực lên Nga như vậy để giúp: tăng cường vị thế của EU trong cuộc xung đột, hỗ trợ Ukraine trong thời điểm khó khăn và tạo lợi thế cho Ukraine trong các cuộc đàm phán hòa bình sau này.

Theo Le Figaro, một nhật báo lớn của Pháp, sau 30 tháng xảy ra xung đột Nga - Ukraine, ý tưởng đàm phán để chấm dứt giao tranh đang được thảo luận "một cách kín đáo" tại Mỹ, EU và thậm chí tại cả chính Ukraine. Cũng theo báo này, "phương Tây ngày càng công khai thừa nhận rằng vùng Donbass và bán đảo Crimea hiện nằm ngoài tầm với của quân đội Ukraine" và dự đoán một "hội nghị thượng đỉnh hòa bình" mới về Ukraine có thể sẽ được tổ chức tại Abu Dhabi của các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) vào một thời điểm sau bầu cử tổng thống ở Mỹ. Mặc dù vậy, tất cả vẫn chưa có gì chắc chắn, chủ yếu do các bên vẫn còn thăm dò nhau chứ chưa hẳn là đã có quyết định cuối cùng.

Đầu tháng 9, chính Tổng thống Putin đã nhắc lại rằng Moscow "chưa bao giờ từ chối" đàm phán với Ukraine, nhưng cũng vẫn khẳng định sẽ không chấp thuận các yêu cầu như Kiev đã đề ra. Mặc dù vậy, tại cuộc họp báo ngày 21/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã đánh tan mọi phỏng đoán về triển vọng sớm có đàm phán hòa bình Nga - Ukraine khi tuyên bố "Moscow không có kế hoạch tham dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình" lần thứ hai do Ukraine thúc đẩy, vì hội nghị này chỉ để thực hiện "công thức chiến thắng" do ông Zelensky đưa ra như một tối hậu thư nhằm buộc Nga đầu hàng".

Tóm lại, tại thời điểm hiện tại, EU dường như vẫn là bên đi đầu hỗ trợ Ukraine về cả tài chính và quốc phòng nhằm kéo dài khả năng cầm cự trong cuộc chiến với Nga đang diễn ra quyết liệt hiện nay. Tuy nhiên, con đường đi đến chấm dứt xung đột, lập lại hòa bình ở Ukraine sẽ còn không ít chông gai phải vượt qua.

Để có thể tiến đến kết thúc cuộc chiến này, các bên liên quan đều cần phải nỗ lực rất nhiều, cần hành động hết sức thận trọng và phải thực sự kiềm chế đưa ra các quyết định và hành động có thể làm leo thang chiến tranh, đặc biệt là chiến tranh hạt nhân.

Nhận định của báo Le Figaro được kỳ vọng là một động thái thăm dò có cơ sở, giúp dư luận hy vọng cuộc chiến ở Ukraine sẽ sớm đi đến hồi kết. Kịch bản này vừa tránh kéo dài sự mất mát và đau thương cho người dân ở cả hai bên, vừa tránh cho châu Âu nói riêng và thế giới nói chung nguy cơ bùng phát một cuộc chiến tranh hạt nhân tàn khốc mà cuối cùng tất cả đều là bên thua trận.