Qatar xuống đòn hiểm, Mỹ lộ chuyện tối mật cứu Ả-rập?
Cuộc khủng hoảng Qatar kéo dài hay kết thúc không còn phụ thuộc vào Qatar, Ả-rập Saudi và liên minh phong toả Qatar nữa, mà phụ thuộc vào...
Người Mỹ đã chỉ ra Qatar không vô can trong cuộc khủng hoảng vùng Vịnh
Cuộc khủng hoảng Qatar tưởng chừng đã bước sang một giai đoạn mới khi Qatar phản đòn với yêu cầu Ả-rập Saudi và liên minh phong toả Qatar phải bồi thường thiệt hại cho tiểu quốc này trong thời gian bị những người anh em cô lập.
Cho dù Riyadh và các đồng minh chưa phản ứng với đòn hiểm của Doha, song có thể nhận diện cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh đã có hướng tháo gỡ.
Bởi hai bên đã có cơ sở ngồi lại với nhau để thương lượng những mất mát, thiệt hơn.
Tuy nhiên, “người Trung Đông tính không bằng người Mỹ tính”, khi đùng một cái hãng tin CNN đã cho công bố những thông tin “bí mật chết người” sau một thời gian lao tâm khổ tứ mới thu thập được, mà từ đó có thể tìm ra căn nguyên của cuộc khủng hoảng ngoại giao trầm trọng này.
Theo tài liệu "bí mật chết người" ấy thì Qatar đã có một số thỏa với các nước láng giềng tại vùng Vịnh mà trước khủng hoảng được biết rộng rãi, nhưng nội dung của các thỏa thuận này thì được giữ kín. Phần vì tính nhạy cảm, phần vì nó được thống nhất riêng tư giữa lãnh đạo các quốc gia.
Tính bí mật, độ nhạy cảm, sự riêng tư đến mức chủ quyền một quốc gia đối diện với nguy cơ có thể bị tước bỏ mà nội dung tài liệu của những người trong cuộc vẫn không thể được tiết lộ!
Nhưng người Mỹ đã tiết lộ.
Theo tài liệu mà CNN vừa tìm được và công bố thi Qatar từng ký hai thỏa thuận với Ả-rập Saudi và các quốc gia trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC).
Thỏa thuận thứ nhất được viết tay vào ngày 23/11/2013, được gọi là Thỏa thuận Riyadh, ký giữa các Quốc vương của Ả-rậpSaudi, Qatar và Kuwait. Thỏa thuận nêu rõ các thành viên GCC không được can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, không được hỗ trợ tài chính và chính trị cho các tổ chức chống đối các chính phủ.
Cụ thể, không được hỗ trợ phong trào Anh em Hồi giáo ở Ai Cập, các nhóm ủng hộ lực lượng chống chính phủ ở Yemen và Ả-rập Saudi mà có thể đe dọa đến an ninh và ổn định của các thành viên GCC.
Thỏa thuận Riyadh cũng quy định các bên không được ủng hộ truyền thông đối lập, ám chỉ đến đài vệ tinh Al Jazeera ở Qatar.
Thỏa thuận Riyadh năm 2013 còn có một tài liệu phụ lục đi kèm do ngoại trưởng các nước liên quan đề cập đến việc thực thi thỏa thuận.
Thỏa thuận thứ hai được đóng dấu “tối mật”, được ký ngày 16/11/2014. Thành phần ký ngoài các Quốc vương Ả-rập Saudi, Qatar và Kuwait còn có Nhà vua Bahrain, Thái tử Abu Dhabi và Thủ tướng Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE). Vì vậy có thể được xem là Thoả thuận Riyadh mở rộng.
Thỏa thuận Riyadh mở rộng đặc biệt đề cập đến cam kết hỗ trợ sự ổn định của Ai Cập, ngăn Al Jazeera trở thành công cụ của các tổ chức hay cá nhân thách thức chính phủ Ai Cập.
Sau khi thỏa thuận này được ký, Al Jazeera đã đóng cửa kênh Al-Jazeera Mubashir Misr chuyên đưa tin về Ai Cập.
Sau khi tài liệu bí mật bị người Mỹ bật mí, ngay lập tức Qatar đã gửi đến CNN một bản tuyên bố trong đó cáo buộc Ả-rập Saudi và UAE đã phá vỡ tinh thần thỏa thuận và xâm phạm chủ quyền Qatar.
“Đọc kỹ ngôn từ sẽ thấy nội dung các thỏa thuận năm 2013 và năm 2014 là nhằm đảm bảo chủ quyền cho các nước GCC. Những yêu sách của họ, như đóng cửa Al-Jazeera hay bồi thường…, không liên quan đến các Thỏa thuận Riyadh.
Hơn nữa, Ả-rập Saudi và UAE chưa bao giờ sử dụng các cơ chế trong các Thỏa thuận Riyadh để truyền đạt những quan ngại của mình đến Qatar”, CNN dẫn lời người phát ngôn của chính phủ Qatar, Saif Bin Ahmed Al-Thani.
Theo ông Al-Thani, yêu sách 13 điểm “là một sự tấn công vô lý và không có tiền lệ vào chủ quyền của Qatar. Do đó các yêu cầu này đã bị Qatar từ chối và cộng đồng thế giới lên án”.
Bất luận thế nào, với hai chứng cứ mang tính "bí mật chết người" mà CNN mới công bố, cho thấy Doha không hoàn toàn vô can trong cuộc khủng hoảng Qatar. Nó có thể khiến Doha chuyển từ thế thắng sang thế thua chỉ trong nháy mắt.
Người Mỹ ném phao cho Ả-rập Saudi hay tạo khủng hoảng để trục lợi từ các đồng minh?
Lợi ích cho sứ giả Trung Đông là điều các đồng minh không được lãng quên
Về phía liên minh phong toả Qatar, ngay sau khi có thông tin từ CNN, Ả-rập Saudi, UAE, Bahrain, Ai Cập đã cùng ra một tuyên bố chung với nội dung cho rằng các tài liệu đã “chứng minh Qatar không thực hiện các cam kết và vi phạm hầu hết những lời cam kết”.
“Bốn quốc gia nhấn mạnh rằng 13 yêu cầu đã gửi tới chính phủ Qatar là để họ hoàn thành những lời cam kết. Những yêu cầu này thực ra bắt nguồn từ các Thỏa thuận Riyadh, từ cơ chế của thỏa thuận cũng như từ nội dung phụ lục của thỏa thuận”, CNN trích dẫn tuyên bố của liên minh phong toả Qatar.
Theo Riyadh và các đồng minh, hai Thỏa thuận Riyadh 2013 và Thoả thuận Riyadh 2014 tồn tại song song với căng thẳng giữa các nước trong GCC.
Vì vậy, tuân thủ hai thỏa thuận này là một trong những nguyên tắc cơ bản mà các nước vùng Vịnh yêu cầu Qatar thực hiện để nối lại quan hệ.
Với thực tế diễn ra Ả-rập Saudi và liên minh phong toả Qatar như người sắp chết đuối vớ được cọc, tài liệu bí mật chết người mà CNN vừa công khai đã trở thành bảo bối và CNN như vị cứu tinh của họ trong cuộc đối trọng với tiểu quốc Qatar.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng không phải ngẫu nhiên mà CNN công bố tài liệu mật ngay trước chuyến công du Trung Đông của Ngoại trưởng Tillerson nhằm tháo ngòi cho cuộc khủng hoảng Qatar, sau khi Doha phản đòn đòi bồi thường thiệt hại.
Bằng tài liệu CNN mới công bố, cuộc khủng hoảng Qatar bây giờ mới thực sự bắt đầu với Washington, mà người Mỹ đóng vai trò kiến tạo khủng hoảng, cả Qatar, Ả-rập Saudi và liên minh phong toả Qatar đểu là đối tượng có nguy cơ bị trừng phạt.
Qatar đã ký thoả thuận thì không thể vô can, cho dù 13 yêu cầu của Riyadh và liên minh phong toả gửi tới Doha không hoàn toàn có thể căn cứ vào Thoả thuận Riyadh năm 2013 hay Thoả thuận Riyadh mở rộng năm 2014.
Doha không dễ thoát tội, chứ nói gì đến đòi bồi thường. Vòng vây quanh Qatar sẽ không thể gỡ bỏ nếu không có sứ giả Trung Đông mà Washington được coi là vị sứ giả duy nhất có thể giúp Doha thoát hiểm.
Ngoại giao vũ khí có lẽ sẽ được tiếp tục sử dụng làm quà cho sứ giả Trung Đông
Đổi lại là lợi ích Mỹ trong quan hệ với tiểu quốc này phải được gia tăng, trong đó không loại trừ việc Doha phải tiếp tục áp dụng "chính sách ngoại giao vũ khí".
Riyadh và liên minh phong toả ký thoả thuận, biết thoả thuận mà không sử dụng cơ chế đó làm cơ sở giải quyết mâu thuẫn, lại khởi phát khủng hoảng Qatar. Điều đó chứng tỏ Riyadh, hoặc lãng quên bảo bối, hoặc cố né tránh thoả thuận để đưa ra yêu sách 13 điểm với Doha.
Nếu Riyadh quên các Thoả thuận Riyadh để rồi rơi vào thế nguy hiểm khi Doha phản đòn, trong trường hợp này người Mỹ đã trở thành vị cứu tinh của Riyadh và liên minh phong toả. Việc "đền ơn đáp nghĩa" là không thể tránh khỏi.
Nếu Riyadh và đồng minh cố tính né thoả thuận để nêu ra 13 yêu sách, vì nhiều yêu sách không phù hợp với nội dung của các Thoả thuận Riyadh, trong trường hợp này Ả-rập Saudi và liên minh phong toả sẽ có thể bị xem xét bởi Toà án Công lý Quốc tế.
Bởi Ả-rập Saudi và liên minh phong toả Qatar đã vi phạm thoả ước đã được ký kết và vẫn còn hiệu lực, nhằm tước bỏ chủ quyến một quốc gia. Hậu quả đương nhiên là sẽ phải bồi thường cho bị hại.
Để tránh được nguy hại đó, Riyadh và liên minh phong toả cần phải có sự trợ giúp của sứ giả Trung Đông và Washington sẽ được các đồng minh nhờ cậy với lợi ích đền đáp sẽ không hề nhỏ.
Theo giới phân tích, cuộc khủng hoảng Qatar còn kéo dài hay sẽ kết thúc sớm, điều đó không còn phụ thuộc vào sự thoả thuận giữa Qatar với Ả-rập Saudi và liên minh phong toả Qatar nữa, mà nó phụ thuộc vào lợi ích của người Mỹ có được từ các đồng minh trong nước cờ này.
Theo Ngọc Việt
Báo Đất việt