1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Putin - Nhà lãnh đạo biết giới hạn cho phép

(Dân trí) - “Ông Putin là người khá chín chắn, thận trọng và đặc biệt là nhận biết giới hạn cho phép”, Forbes nhận xét về ông Putin trong ấn phẩm mới đây. Không phải ngẫu nhiên tạp chí danh tiếng này “đúc kết” hình tượng chính trị đối ngoại của nhà lãnh đạo Nga như vậy.

 
 
Putin - Nhà lãnh đạo biết giới hạn cho phép

"Bộ đôi" nổi tiếng của nước Nga, một thành công của không chỉ cá nhân ông Putin
 
Lần đầu tiên ông Putin nhận chức vụ cao nhất năm 2000, khi tổng thống đầu tiên của Nga là Boris Yeltsin tuyên bố tên tuổi người kế nhiệm của mình.

Vào đêm trước thềm năm 2000, Tổng thống Yeltsin tuyên bố từ chức trước thời hạn và ông Putin trở thành quyền Tổng thống của nước Nga. Vài tháng sau, ông Putin thắng cử với kết quả 52,94% số phiếu, lên nắm quyền vào ngày 7/5/2000.

Vấn đề khó khăn chính của Nga vào thời điểm đó là những hoạt động vũ trang phá hoạt trên lãnh thổ Chechnya có xu hướng ly khai. Ngoài ra, các di sản của thời đại Yeltsin mà nhà lãnh đạo mới nhận được là đất nước với hệ thống quản lý bị phá hủy, trong nước có tính phe nhóm, tài phiệt, xung đột nội bộ, tội phạm, uy tín của Nga trên trường quốc tế giảm sút.

Điều đầu tiên ông Putin đã làm là dùng chính sách cứng rắn để tập trung hóa và củng cố chính quyền theo ngành dọc. Gần như ngay lập tức ông Putin bắt đầu cuộc đấu tranh với các thế lực đầu sỏ chính trị, là những doanh nhân lớn gây ảnh hưởng tiêu cực đến chính sách đất nước.

Việc quân đội Nga giành lại quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ Chechnya đã làm tăng nhanh uy tín của ông Putin.

Năm 2004, ông Putin tái đắc cử Tổng thống, với 71% số phiếu.

Tháng 12/2007, tạp chí Times của Mỹ đã chọn ông là "Nhân vật của năm" vì thành tựu tăng cường ổn định và nâng cao vai trò của Nga trên thế giới.

Ngoài việc tăng cường hệ thống nhà nước, kết quả tích cực của chính sách Putin qua hai nhiệm kỳ tổng thống của ông (2000-2008) thường được nhắc đến sự ổn định tình hình chính trị xã hội ở Nga và tăng cường nền kinh tế đất nước.

Dưới thời ông Putin, nước Nga đã thu được những thành tựu kinh tế rõ ràng. Tốc độ tăng trưởng GDP mỗi năm 6,5%, nợ nước ngoài giảm đáng kể, dự trữ ngoại hối gia tăng, tình trạng thất thoát vốn tài chính chấm dứt, mức sống người dân được cải thiện.

Trong công chúng, ông Putin có hình tượng phổ biến như một hình ảnh “người hùng” tràn trề sức sống: ngồi buồng lái máy bay chiến đấu, lái máy liên hợp nông nghiệp, theo thiết bị lặn xuống đáy biển. Các nhà báo thường bàn luận về ông Putin với tấm ảnh chụp mình trần và những câu đùa mạnh bạo.

Trong chính sách đối ngoại, ông Putin đã đạt được việc củng cố quan hệ với Liên minh châu Âu và Mỹ, phát triển hợp tác với NATO, chuẩn bị cho việc Nga gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)…

Và tất nhiên có cả những đánh giá tiêu cực. Trong khi phương Tây không mệt mỏi khẳng định rằng đất nước đàn áp tự do dân sự và các tổ chức dân chủ, ông Putin cho rằng các báo cáo này được đưa ra để hỗ trợ những lực lượng tại Nga, "mà một số nhà chính trị nước ngoài coi là thân phương Tây” và mục tiêu chính của họ là làm cho Nga dễ bảo hơn trong các vấn đề không liên quan đến dân chủ và nhân quyền, chẳng hạn như giải trừ vũ khí và phòng thủ tên lửa.

Tại cuộc bầu cử tổng thống năm 2008, ông Putin đã ủng hộ ứng cử viên Dmitry Medvedev, người hứa nếu đắc cử sẽ bổ nhiệm ông Putin làm Thủ tướng. Ông Medvedev giành được 70,28% số phiếu bầu và giữ lời hứa của mình. Cơ cấu quyền lực mới được các nhà báo đặt tên là "bộ đôi chính trị".

Phương Tây liên tiếp bình luận về “những khác biệt”, “những xung đột”, rằng “liên minh Putin-Medvedev không thể tồn tại được lâu, sớm hay muộn sẽ bắt đầu cuộc đua danh vọng, đặc biệt trong thời gian chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống”. Bất chấp điều này, bộ đôi này đã phân định rõ lĩnh vực trách nhiệm và vẫn chứng tỏ là trụ cột cho nền chính trị Nga trong suốt những năm qua.

Kết quả cuộc thăm dò dư luận do Trung tâm nghiên cứu công luận Nga VTSIOM thực hiện đầu năm ngoái cho thấy đa số người dân Nga đều cho rằng, “bộ đôi” chính trị gồm Tổng thống Dmitri Medvedev và Thủ tướng Vladimir Putin là vững chắc và mang tính chất lâu dài. Cựu Tổng thống Vladimir Putin, nay là Thủ tướng, vẫn là đại diện giới chính trị thượng lưu và sẵn sàng trên thực tế lãnh đạo hoạt động kinh tế. Trong điều kiện của Nga, đó là một bước đi táo bạo.

Tháng 9/2011, Tổng thống Medvedev đã công khai từ chối tranh cử nhiệm kỳ hai, nhường chỗ cho ông Putin và sẽ trở thành thủ tướng trong chính phủ được thành lập sau ngày 4/3.

Tháng 12 năm ngoái, đảng cầm quyền "Nước Nga thống nhất" thu được gần 50% phiếu cử tri trong cuộc bầu cử Quốc hội. Cuộc bầu cử Tổng thống ngày 4/3 vừa qua tiếp tục mang đến chiến thắng cho “Nước Nga Thống nhất” và ông Putin.

Sự tin tưởng và thiện cảm với lãnh đạo hai nhánh chính quyền— Tổng thống Dmitri Medvedev và Thủ tướng Vladimir Putin— chứng tỏ về tình hình ổn định trong xã hội Nga. Đa số người dân tin tưởng rằng sau cuộc bầu cử 4/3, mối thiện cảm này vẫn được giữ nguyên cho hai nhánh chính quyền – Tổng thống Putin và Thủ tướng Medvedev, và nước Nga sẽ tiếp tục phát triển thành công, củng cố uy tín trên vũ đài quốc tế.
 
Sơ lược về Putin
 
Vladimir Putin, ứng viên Tổng thống Nga do đảng "Nước Ngathống nhất" đề cử.

Ông sinh ngày 7/10/1952 tại Leningrad (nay là Saint-Peterburg).

Năm 1975, ông Putin tốt nghiệp Khoa Luật Đại học quốc gia Leningrad và được phân công làm việc trong Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB) Liên Xô, nơi ông phục vụ cho đến năm 1991.

Năm 1990, ông Putin bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình với tư cách cố vấn cho ông Anatoly Sobchak, Thị trưởng thành phố Leningrad. Năm 1996, ông chuyển đến Mátxcơva và làm việc trong Văn phòng Tổng thống Boris Yeltsin.

Năm 1998, ông Putin lãnh đạo Cơ quan An ninh Liên bang. Một năm sau, ông được bổ nhiệm làm Quyền Thủ tướng và trong một cuộc phát biểu truyền hình, Tổng thống Yeltsin đã giới thiệu ông Putin là người kế nhiệm mình.

Ông Vladimir Putin đã từng giữ cương vị Tổng thống Liên bang Nga từ năm 2000 đến năm 2008

Từ năm 2008, ông đảm nhiệm cương vị Thủ tướng trong chính phủ của Tổng thống Dmitry Medvedev.

Mẹ ông từng làm việc trong nhà máy. Cha ông phục vụ tại hạm đội tàu ngầm vào những năm 1930 và có mặt trong các đơn vị biệt kích thời Chiến tranh thế giới II.

Vladimir là con thứ ba trong gia đình, nhưng hai người anh trai của ông đã qua đời khi còn nhỏ.

Vợ ông, bà Ludmila là một cựu tiếp viên hàng không và giáo viên dạy tiếng Đức. Ông bà có hai con gái - Maria và Ekaterina.


Nguyễn Viết

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm