1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Bầu cử Tổng thống Nga - yếu tố không phải là kết quả

(Dân trí) - Thủ tướng Nga Vladimir Putin, người từng làm Tổng thống suốt hai nhiệm kỳ, đã quay lại điện Kremlin. Yếu tố đáng chú ý lần này không phải là kết quả, mà là thời thế thay đổi, nhà lãnh đạo đầy nội lực này sẽ phải đối phó với nhiều khó khăn hơn trước.

 
Bầu cử Tổng thống Nga - yếu tố không phải là kết quả
Các quan chức bầu cử dự đoán số người tham gia sau khi số phiếu kiểm xong có thể lên tới 62,3%, cao hơn nhiều so với cuộc bầu cử năm 2008

Cuộc bầu cử hiện tại có hàng loạt nét khác với những lần trước. Trước hết phải kể đến là theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ Nga, ở hầu hết các trạm bỏ phiếu trong nước được trang bị máy quay video. Giám sát video trực tuyến duy trì trong suốt quá trình bỏ phiếu và kiểm phiếu. Đổi mới nữa là lần đầu tiên Tổng thống Nga được bầu với nhiệm kỳ 6 năm (thay vì 4 năm như trước đây).

Ngoài ra, không thể bỏ qua chi tiết đặc biệt là ứng cử viên hàng đầu – cựu sĩ quan Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB), đương kim Thủ tướng Nga Putin – đang nỗ lực trở lại Kremlin sau hai nhiệm kỳ cách đây 4 năm làm ông chủ.

Buộc lòng phải rời điện Kremlin do Hiến pháp không cho giữ chức Tổng thống ba nhiệm kỳ liên tiếp, ông Putin vẫn là nhân vật quyền lực nhất nước Nga. Sau khi Hiến pháp được sửa đổi để kéo dài nhiệm kỳ Tổng thống từ 4 lên 6 năm, đắc cử lần này, ông được dự báo có thể sẽ tiếp tục làm Tổng thống đến tận năm 2024.

Nhưng các nhà phân tích dự đoán, nhiệm kỳ tổng thống đang chờ đợi ông Putin sẽ không hề dễ dàng.

“Nước Nga ngày nay có dự trữ vàng và ngoại tệ lớn thứ ba trên thế giới. Tỷ lệ nợ nước ngoài của Nga ở mức 10%, một chỉ số tối thiểu đối với các nền kinh tế phát triển, và trên cơ sở đó, Nga có thể phát triển thành công cả các lĩnh vực xã hội”, ông Putin phát biểu trong cuộc đối thoại với người dân không lâu trước bầu cử.

“Nước Nga đã tổ chức nâng định mức lương hưu, là động thái mà không một nước nào thực hiện trong giai đoạn cuộc khủng hoảng. Vào đầu những năm 2000, lạm phát của Nga ở mức 30%, và trước đó thậm chí còn lên tới 100%. Hiện nay, tỷ lệ lạm phát của Nga thấp kỷ lục, chưa từng có trong lịch sử hiện đại của đất nước. Đối với Nga, đây là một dấu hiệu rất tốt ...”, ông nói.

Trong khi đó, một trung tâm phân tích châu Âu nhận định, dấu hiệu “không ổn đối với nước Nga” đã xuất hiện ngay sau cuộc bầu cử Hạ viện ngày 4/12/2011.

Đảng Nước Nga Thống nhất của ông Putin giành chiến thắng, nhưng phong trào phản đối gian lận sau cuộc bầu cử 4/12 lại bùng lên, có thể nói là châm ngòi cho những cuộc xuống đường kéo dài đến tận sau ngày bầu cử Tổng thống ngày 4/3 vừa qua. “Tuy chưa đe dọa được quyền lực của ông Putin, nhưng là dấu hiệu cho thấy một nước Nga ngày càng bất ổn”, trung tâm này dự báo.

Dư luận bên trong nước Nga cũng có những cảnh báo cho rằng nhiệm kỳ tổng thống mới đặt ra trước người đứng đầu nhà nước những thách thức mới. Các vấn đề đã tích lũy rất nhiều, và đơn giản là không thể "đóng băng" các vấn đề đó.

Tại Mátxcơva, Chuyên gia Viện Chiến lược Quốc gia Nga Pavel Svyatenkov nhận định: “Nhiệm vụ chính là cải cách nền kinh tế đất nước. Ông Putin vẫn chưa giải quyết được vấn đề nền kinh tế của đất nước phụ thuộc vào việc xuất khẩu nguyên liệu thô. Thứ hai, cuộc chiến chống tham nhũng, vấn nạn đang trở thành một điển hình. Thứ ba, cần phải cải cách quân đội, y tế, hệ thống lương hưu”.

“Nói cách khác, ông Putin sẽ phải đối mặt với những vấn đề rất nghiêm trọng và phức tạp. Và trong trường hợp này ông không được "đóng băng" tình hình, ngồi hy vọng chờ dầu và khí đốt tăng giá”.

Từ Washington, giới phân tích Mỹ cho rằng ban lãnh đạo đất nước trì hoãn giải quyết một số vấn đề nảy sinh đã khá lâu, trước hết là vấn đề liên quan đến hệ thống chính trị vốn bắt đầu xuất hiện trong những năm đầu nhiệm kỳ Tổng thống của Putin. "Nền dân chủ có kiểm soát" cũng có nghĩa là tất cả mọi sự bổ nhiệm đều được thực hiện tại Mátxcơva và sau đó được “chuyển xuống” các địa phương. Sự xuất hiện “các cầu thủ không nằm trong danh sách” được loại trừ, trong khi tiêu chí chính để lựa chọn (vào chính quyền) là lòng trung thành và khả năng điều khiển được.

Nhưng theo ông Dmitry Peskov,thư ký báo chí của thủ tướng, ông Vladimir Putin có nội lực và sự ủng hộ của hầu hết người Nga để cải thiện tình hình.

Bản thân ông Putin đã chuẩn bị sẵn cho một chiến dịch tranh cử sôi nổi và dường như cả những thách thức mà ông phải đối mặt sau chiến thắng được dự báo chắc chắn ngày 4/3. Ông từng tuyên bố: “Thành thật mà nói, tôi đã dự đoán từ trước về cái gì đó như thế này. Tôi đã dự đoán về cuộc tranh luận gay gắt. Nhưng, để tiếp tục làm việc cần phải nhận sự tín nhiệm trong bối cảnh mới. Nếu không có điều này thì không thể làm việc. Vì vậy tôi rất vui mừng thấy rằng, chúng ta có một cơn bão, đây là điều tốt. Điều kiện duy nhất là mọi người nên hoạt động trong vòng pháp luật”.

Còn những người ủng hộ ông Putin thì đã không nghi ngờ về thắng lợi của ứng cử viên này trong cuộc bầu cử tổng thống. Theo cựu Thủ tướng Nga, Viện sĩ Hàn lâm Evgeny Primakov, Vladimir Putin là nhân vật xứng đáng nhất cho vị trí Tổng thống tại Nga hiện nay.

Ông Primakov nói: “Ông Putin là ứng cử viên thích hợp nhất. Tất nhiên, cũng như bất cứ chính trị gia, ông Putin không tránh khỏi vấp váp sai lầm, nhưng điều quan trọng là ông Putin đã thể hiện rõ mình với phẩm chất của một chiến sĩ chống khủng bố, ủng hộ cho sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, cho sự tiến hóa không cần đến các "cuộc cách mạng màu", phát triển kinh tế bền vững trong điều kiện khủng hoảng toàn cầu, chủ trương cải thiện đời sống nhân dân, vì nền an ninh của quốc gia”.

Nguyễn Viết