1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Phương Tây hoài nghi kế hoạch của Nga triển khai hạt nhân ở Belarus

Minh Phương

(Dân trí) - Mỹ cho biết, họ chưa phát hiện dấu hiệu nào cho thấy Nga sẽ sớm triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus.

Phương Tây hoài nghi kế hoạch của Nga triển khai hạt nhân ở Belarus - 1

Một vụ thử tên lửa đạn đạo của Nga (Ảnh minh họa: Reuters).

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Rossiya-24 hôm 25/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết: "Chúng tôi đã chuyển giao cho Belarus hệ thống Iskander nổi tiếng và rất hiệu quả, có thể mang vũ khí hạt nhân của chúng tôi. Vào ngày 3/4, chúng tôi sẽ bắt đầu huấn luyện các nhóm vận hành và vào ngày 1/7, chúng tôi sẽ hoàn thành việc xây dựng một kho chứa vũ khí hạt nhân chiến thuật đặc biệt trên lãnh thổ Belarus".

Chủ nhân Điện Kremlin cho biết, quyết định này của Moscow được thúc đẩy bởi việc Anh có thể sẽ cung cấp đạn nghèo uranium cho Ukraine.

NATO đã chỉ trích động thái này của Moscow là "nguy hiểm và thiếu trách nhiệm", trong khi Ukraine đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp khẩn.

Tuy nhiên, Nhà Trắng nhận định, chưa có dấu hiệu nào cho thấy Nga sẽ sớm triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus.

"Chúng tôi chưa thấy bất cứ dấu hiệu nào rằng ông Putin sẽ thực hiện cam kết đó hay di chuyển vũ khí hạt nhân", người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby ngày 26/3 cho biết. Ông nhấn mạnh thêm, Washington theo dõi sát tình hình hàng ngày và đến nay "không phát hiện biến động nào buộc Mỹ phải thay đổi trạng thái răn đe chiến lược".

Tháng 2 năm ngoái, Tổng thống Putin từng thông báo, ông đã yêu cầu tình trạng báo động cao đối với kho vũ khí hạt nhân của nước này, song khi đó đã không có sự thay đổi rõ rệt nào về vị thế hay bất kỳ động thái bất thường nào về vũ khí hạt nhân của Moscow.

Ông Putin và người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko từng phát tín hiệu về một thỏa thuận lập căn cứ hạt nhân. Hơn một năm trước, nhà lãnh đạo Belarus tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý nhằm thay đổi hiến pháp để mở đường cho kế hoạch.

Phương Tây hoài nghi kế hoạch của Nga triển khai hạt nhân ở Belarus - 2

Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko (Ảnh: TASS).

Tuy nhiên, giới chuyên gia tỏ ra hoài nghi với kế hoạch mà ông Putin tiết lộ mới đây. Họ chỉ ra rằng, Nga đã dành ít nhất 7 năm để xây dựng một cơ sở lưu trữ vũ khí hạt nhân ở Kaliningrad và hiện không rõ những quả bom này đã thực sự được chuyển đến đó hay chưa. Đến nay, không có hình ảnh vệ tinh nào có thể cho thấy có thứ gì đó tương tự đang được xây dựng ở Belarus.

Hans Kristensen, giám đốc dự án thông tin hạt nhân tại Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ cho biết: "Tôi đã xem xét một số nơi có khả năng là căn cứ hạt nhân, và không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy một căn cứ lưu trữ hạt nhân đang được xây dựng. Tuy nhiên, vẫn không thể loại trừ khả năng này. Có thể có rất nhiều người đang làm công tác chuẩn bị trên khắp đất nước họ vào lúc này".

Hồi đầu tuần trước, Tổng thống Putin cảnh báo sẽ đáp trả nếu Anh cung cấp đạn nghèo uranium có khả năng xuyên giáp cho Ukraine. Tuy nhiên, trong bài phát biểu của mình vào ngày 25/3, ông Putin không tập trung vào vấn đề này. Thay vào đó, ông nhấn mạnh chỉ trích thỏa thuận chia sẻ hạt nhân giữa Mỹ và 5 đồng minh gồm Đức, Hà Lan, Bỉ, Italy và Thổ Nhĩ Kỳ. Theo thỏa thuận, Mỹ được phép lưu trữ bom trọng lực B61 (tổng cộng khoảng 100 quả) ở các quốc gia đồng minh và phi hành đoàn của họ được huấn luyện để lái máy bay mang chúng trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân.

Nga cho rằng, thỏa thuận vi phạm hiệp ước về chống phổ biến vũ khí hạt nhân năm 1968 (NPT). Trong tuyên bố chung đưa ra tại cuộc họp hồi tuần trước với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Putin nêu rõ: "Tất cả quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân nên kiềm chế triển khai vũ khí hạt nhân ở nước ngoài và rút vũ khí hạt nhân đã triển khai ở nước ngoài".

Thỏa thuận chia sẻ hạt nhân giữa Mỹ với các đồng minh và thỏa thuận được đề xuất giữa Nga và Belarus né được các hạn chế của NPT bằng cách chuyển giao không chính thức vũ khí được lưu trữ cho chính phủ sở tại cho đến khi xung đột bắt đầu. Tuy nhiên, đối với các quốc gia không sở hữu vũ khí và những người ủng hộ kiểm soát vũ khí, điều đó đi ngược lại tinh thần của NPT.

Chính quyền Obama đã dự tính rút B61 khỏi châu Âu như một động thái tiến tới giải trừ quân bị, nhưng một số đồng minh châu Âu đã phản đối bất kỳ động thái nào khiến kho vũ khí hạt nhân ngày càng giảm đi, dẫn tới quan hệ với Moscow lại xấu đi sau đó. Thay vì bị loại bỏ, những quả bom này đã được hiện đại hóa với phiên bản mới B61-12, đang trong quá trình chuyển giao cho châu Âu.

 Susi Snyder, điều phối viên chương trình của Chiến dịch Xóa bỏ Vũ khí Hạt nhân Quốc tế, cho biết: "Những quả bom mới đồng nghĩa là một làn sóng vũ khí hoàn toàn mới đang xuất hiện và đó là mối quan tâm trọng yếu đối với người dân châu Âu".

Vũ khí hạt nhân chiến thuật hay còn được gọi là vũ khí phi chiến lược. Đây là loại vũ khí sử dụng đầu đạn hạt nhân nhỏ cùng các hệ thống nhắm mục tiêu để phục vụ một cuộc tấn công hạn chế. Chúng được thiết kế để phá hủy các mục tiêu đối phương trong một khu vực cụ thể mà không khiến bụi phóng xạ lan rộng.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật nhỏ nhất có thể có đương lượng nổ 1 kiloton hoặc ít hơn. Một kiloton tương đương với 1.000 tấn thuốc nổ TNT. Loại lớn nhất có thể lên đến 100 kiloton. Trong khi đó, vũ khí hạt nhân chiến lược có sức hủy diệt lớn hơn (lên đến 1.000 kiloton) và được phóng từ tầm xa hơn.

Vũ khí chiến thuật có thể được gắn lên tên lửa, bom thả từ trên không hoặc thậm chí đạn pháo tầm ngắn.

Nhiều quốc gia hạt nhân trên thế giới sở hữu loại vũ khí này. Ví dụ, một báo cáo hồi tháng 3 của Mỹ cho biết, nước này sở hữu khoảng 230 vũ khí hạt nhân phi chiến lược, trong đó có 100 quả bom B61.

Theo Guardian, Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine