Phản ứng của Ukraine khi Nga bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus
(Dân trí) - Các quan chức Ukraine chỉ trích việc Nga quyết định triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus trong bối cảnh xung đột leo thang.
"Tuyên bố của ông Putin về việc bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus, một bước tiến gây bất ổn nội bộ, làm gia tăng tối đa suy nghĩ và phản ứng tiêu cực đối với Nga và ông Putin trong xã hội Belarus. Điện Kremlin bắt Belarus làm con tin hạt nhân", Oleksiy Danilov, Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine, bình luận trên Twitter hôm 26/3.
Cùng ngày, Mykhaylo Podolyak, trợ lý Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cáo buộc Nga "vi phạm hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân". Theo ông Podolyak, quyết định của Nga về việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus cho thấy Nga "sợ thua cuộc" và tất cả những gì Moscow có thể làm là sử dụng chiến thuật "hù dọa".
Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết nước này đã đề xuất một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về thông báo của Nga liên quan tới kế hoạch đặt vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus.
Cảnh báo của các quan chức Ukraine được đưa ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo, Moscow sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus.
Ông Putin nói rằng, Nga đã chuyển giao một số hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander có khả năng mang vũ khí hạt nhân cho Belarus, quốc gia có biên giới với 3 thành viên NATO là Ba Lan, Lithuania và Latvia. Ông cho biết Nga sẽ bắt đầu quá trình huấn luyện sử dụng từ ngày 3/4 và dự kiến hoàn thành việc xây dựng một kho chứa vũ khí hạt nhân chiến thuật đặc biệt trên lãnh thổ Belarus vào ngày 1/7.
Theo nhà lãnh đạo Nga, Tổng thống Belarus từ lâu đã nêu vấn đề triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga trên lãnh thổ Belarus, do vậy "điều này không có gì bất thường". Ông Putin cũng khẳng định động thái này của Moscow tương tự việc Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân ở châu Âu.
NATO đã lên tiếng chỉ trích Nga vì phát ngôn "nguy hiểm và vô trách nhiệm" về vấn đề vũ khí hạt nhân.
"NATO cảnh giác và chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ tình hình. Chúng tôi chưa thấy bất kỳ thay đổi nào trong lập trường hạt nhân của Nga khiến chúng tôi phải tự điều chỉnh. Việc Nga đề cập đến vấn đề chia sẻ hạt nhân của NATO là hoàn toàn sai lầm. Các đồng minh NATO hành động với sự tôn trọng đầy đủ các cam kết quốc tế. Trong khi đó, Nga liên tục phá vỡ các cam kết kiểm soát vũ khí, gần đây nhất là đình chỉ tham gia Hiệp ước START Mới", một phát ngôn viên NATO nói.
Chiến dịch Quốc tế về xóa bỏ vũ khí hạt nhân gọi thông báo của Tổng thống Putin là sự leo thang nguy hiểm. Theo tổ chức này, "trong bối cảnh chiến tranh ở Ukraine, khả năng tính toán sai hoặc hiểu sai là rất cao, do vậy việc chia sẻ vũ khí hạt nhân khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn nhiều và có nguy cơ gây ra những hậu quả nhân đạo thảm khốc".
Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết sẽ tiếp tục theo dõi tình hình, đồng thời xác nhận Washington không thấy có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân.
Các nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Washington nhận định, nguy cơ leo thang thành chiến tranh hạt nhân "vẫn còn rất thấp".
Belarus có chung đường biên giới dài 1.085km với Ukraine và cách thủ đô của Ukraine tại điểm gần nhất chưa đầy 100km. Belarus cũng là đồng minh thân cận của Nga, cho phép Nga triển khai hàng chục nghìn binh sĩ diễn tập quân sự từ trước khi Moscow mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.