Phương Tây đang nói nhiều đến kịch bản Nga chiến thắng ở Ukraine
(Dân trí) - Nhiều quan điểm của phương Tây về cuộc chiến ở Ukraine hiện đang hướng tới việc Nga có thể thắng trong cuộc chiến và Kiev có thể mất thêm lãnh thổ và thậm chí cả chủ quyền của mình.
Những quan điểm như vậy được thể hiện rõ trong nội dung các bài báo của Financial Times và Bloomberg mới đây, trong đó đều chung quan điểm rằng trong trường hợp đó NATO sẽ bị đánh bại và hậu quả sẽ ảnh hưởng khắp thế giới.
Theo tờ Financial Times, "phương Tây đang đùa giỡn với ý tưởng để Nga có Ukraine. Và trước đó, Bloomberg viết rằng, chính bế tắc viện trợ từ Mỹ và châu Âu đang khiến các đồng minh của Ukraine lo lắng rằng, Nga có thể giành chiến thắng.
Viện Kinh tế Thế giới Kiel đã tính toán, viện trợ mà phương Tây hứa hẹn dành cho Ukraine đã giảm gần 90% kể từ năm 2022, ngay cả trước khi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) không phê duyệt nguồn vốn bổ sung trong tháng này.
Giữa lúc các cử tri ở phương Tây đã chán ngấy cuộc chiến ở Ukraine, theo Financial Times, kịch bản "nếu Nga thắng" ngày càng trở nên có lý.
"Từ bỏ Ukraine sẽ là một lựa chọn. Có một giải pháp thay thế. Nga có nền kinh tế công nghệ thấp có quy mô tương đương với Canada. Châu Âu có thể giúp Ukraine chống lại Nga ngay cả khi nước Mỹ (giả sử dưới thời Tổng thống Trump) rút lui. Chúng ta sẽ phải nhanh chóng xây dựng ngành công nghiệp vũ khí của mình, nhưng nỗ lực cần có của chúng ta sẽ rất nhỏ so với nỗ lực của Nga", tờ báo này viết.
Trong khi đó, theo tờ Bloomberg: "Với hơn 110 tỷ USD hỗ trợ vẫn bế tắc do các tranh chấp chính trị ở Washington và Brussels, việc Kiev có thể cầm chân các lực lượng Nga và bảo vệ các thành phố, nhà máy điện và cảng của Ukraine trước các cuộc tấn công tên lửa trong bao lâu đang ngày càng là một câu hỏi khó".
Ngoài những hậu quả thảm khốc có thể xảy ra đối với Ukraine, một số đồng minh châu Âu đã bắt đầu âm thầm xem xét tác động của một thực tế thất bại của Kiev đối với NATO trong cuộc xung đột lớn nhất ở châu Âu kể từ sau Thế chiến II".
Bloomberg trích dẫn những nguồn tin thân cận cho biết, châu Âu đang đánh giá quá cao những rủi ro mà một nước Nga hùng mạnh có thể gây ra cho các thành viên NATO ở phía đông.
Những tác động lan rộng sẽ được cảm nhận trên khắp thế giới khi các đối tác và đồng minh của Mỹ đặt câu hỏi về độ tin cậy của những cam kết quốc phòng của Washington.
Nếu Kiev thất thủ, mối lo đối với Đông Âu sẽ gia tăng, vì trước khi xung đột bùng nổ, Ukraine đóng vai trò là vùng đệm giữa Nga và các thành viên NATO ngoài vùng Baltic.
"Nếu Nga kiểm soát hoàn toàn Ukraine, họ có thể thiết lập các căn cứ quân sự mới ở phía tây đất nước và điều động lực lượng đáng kể đến đó. Để chống lại mối đe dọa tiềm tàng đối với Đông Âu, NATO sẽ phải cải thiện các biện pháp phòng thủ với chi phí tài chính khổng lồ. Dù tốn kém như vậy, liên minh này có thể không thể phòng thủ trước một cuộc tấn công của Nga", Bloomberg nhận định.
Ngoài những nghi ngờ Ukraine khó có thể giành lại quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ bị chiếm đóng, phương Tây dường như còn có những lo ngại về khả năng Lực lượng vũ trang Ukraine khó có thể kiểm soát các vùng lãnh thổ mà họ đang nắm quyền.
"Ngày càng có nhiều lo ngại về việc thiếu viện trợ cho Ukraine ở cả hai bờ Đại Tây Dương và sự thất vọng vì tình trạng trì trệ kéo theo những hậu quả thảm khốc trên chiến trường mất thêm lãnh thổ và thậm chí cả chủ quyền - điều đó vẫn còn trên bàn đàm phán", Kristine Berzina, giám đốc điều hành Quỹ German Marshall ở Washington, cho biết.
Theo các quan chức châu Âu, Nga có thể sẽ nỗ lực giành thêm các vùng lãnh thổ và phá hủy thêm cơ sở hạ tầng nếu Ukraine không có được số vũ khí cần thiết. Họ cho biết, nếu Ukraine không thể tự bảo vệ mình, nước này có thể buộc phải chấp nhận lệnh ngừng bắn theo các điều kiện của Nga.
Tình hình ở mặt trận ngày càng cho thấy rõ rằng cuộc chiến có thể kéo dài nhiều năm và ngay cả Mỹ và châu Âu ồ ạt viện trợ cũng khó có thể tạo ra bước đột phá đáng kể.
Các nhà phân tích cũng cho rằng Mỹ sẽ phải lựa chọn giữa việc duy trì đủ lực lượng ở châu Á để bảo vệ đảo Đài Loan và ngăn chặn một cuộc tấn công của Nga vào NATO. Chi phí triển khai lực lượng sẽ tiếp tục đến khi nào mối đe dọa từ Nga không còn nữa, và có thể là vô thời hạn.
Và điều này chưa tính đến khả năng cựu Tổng thống Donald Trump có thể giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 và thực hiện cam kết rút khỏi các liên minh lớn, bao gồm NATO, cũng như đạt được thỏa thuận với Nga về vấn đề Ukraine.