1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tướng NATO: Ukraine có thể phải nhượng lãnh thổ để đạt lệnh ngừng bắn

Thành Đạt

(Dân trí) - Tướng quân sự NATO đề cập đến khả năng Ukraine nhượng bộ lãnh thổ trong cuộc chiến với Nga nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ.

Tướng NATO: Ukraine có thể phải nhượng lãnh thổ để đạt lệnh ngừng bắn - 1

Xe tăng của lực lượng Ukraine (Ảnh: AFP).

Pravda ngày 20/12 đưa tin, tướng Joao Vieira Borges, Chủ tịch Ủy ban Lịch sử Quân sự Bồ Đào Nha, nói với ấn phẩm ONET của Ba Lan rằng, Ukraine có thể nhượng bộ lãnh thổ để đạt được lệnh ngừng bắn với Nga.

"Nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ, Ukraine sẽ không thể giành lại các vùng lãnh thổ đã mất. Có nguy cơ Kiev sẽ phải nhượng bộ trên thực địa và mất đi tiềm năng đàm phán", tướng Borges nhận định.

Tướng Borges cũng cho rằng cuộc bầu cử năm tới ở Mỹ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự ủng hộ của Washington dành cho Kiev. Theo ông, nếu đảng Cộng hòa lên nắm quyền, Ukraine sẽ gặp khó khăn lớn trong việc nhận viện trợ quân sự từ Mỹ.

Theo Bloomberg, tình trạng bế tắc trong nguồn viện trợ từ Mỹ và châu Âu khiến các đồng minh của Ukraine tính đến điều mà họ ít khi nghĩ đến: Nga có thể giành chiến thắng ở Ukraine.

Ngoài những hậu quả có thể xảy ra với Ukraine, một số đồng minh châu Âu bắt đầu xem xét tác động đối với NATO trong cuộc xung đột lớn nhất châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai. Họ đánh giá lại những rủi ro mà Nga sẽ gây ra cho các thành viên liên minh NATO ở phía đông, Bloomberg dẫn các nguồn thạo tin cho biết.

Theo các nguồn tin, tác động của thất bại chiến lược ở Ukraine sẽ lớn hơn nhiều so với việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan vào năm 2021. Điều đó còn chưa tính đến khả năng ông Donald Trump có thể giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm tới và hiện thực hóa những cam kết do ông đưa ra như rút Mỹ khỏi các liên minh lớn, bao gồm NATO, và đạt được thỏa thuận với Tổng thống Nga Vladimir Putin về vấn đề Ukraine.

"Nếu Ukraine không nhận được sự hỗ trợ từ EU và Mỹ, Nga sẽ thắng", Thủ tướng Ireland Leo Varadkar phát biểu tuần trước tại hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu, nơi các nhà lãnh đạo đã không vượt qua được sự phản đối ngày càng tăng đối với khoản hỗ trợ 50 tỷ euro (55 tỷ USD) cho vào năm tới.

Ngoài sự hoài nghi ngày càng tăng về chi phí hỗ trợ cho Ukraine, kết quả đáng thất vọng về cuộc phản công của Ukraine vào mùa hè, khi quân đội Kiev chỉ đạt được những bước tiến khiêm tốn trước lực lượng Nga, đã đặt ra câu hỏi rằng liệu mục tiêu mà Ukraine tuyên bố là giành lại toàn bộ lãnh thổ do Nga kiểm soát có thực tế không.

"Ngày càng có nhiều lo ngại về việc thiếu động thái viện trợ cho Ukraine ở cả hai bờ Đại Tây Dương cũng như sự thất vọng vì sự trì trệ này dẫn đến hậu quả thảm khốc trên chiến trường. Khả năng Ukraine mất thêm lãnh thổ vẫn đang được tính đến", Kristine Berzina, giám đốc điều hành của Quỹ Marshall Đức tại Washington, cho biết.

Theo các quan chức châu Âu, Nga có thể sẽ thúc đẩy việc giành thêm các vùng lãnh thổ và phá hủy thêm cơ sở hạ tầng nếu Ukraine không có được vũ khí cần thiết để tự vệ. Họ cho rằng, nếu không thể tự bảo vệ mình, Ukraine có thể buộc phải chấp nhận một thỏa thuận ngừng bắn theo các điều kiện của Nga.

Những người ủng hộ Ukraine ở cả EU và Mỹ cho rằng viện trợ có thể sẽ được phê duyệt dưới một hình thức nào đó vào đầu năm tới. Tuy nhiên, các quan chức cho biết điều đó khó có thể mang lại bước đột phá lớn trên chiến trường. Trong khi đó, tình trạng bế tắc trên thực tế ngày càng cho thấy rõ rằng, cuộc chiến có thể tiếp tục trong nhiều năm tới.

Theo Pravda, Bloomberg