1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Phóng viên quốc tế bất ngờ khi thượng đỉnh Mỹ - Triều không đạt thỏa thuận

(Dân trí) - Các phóng viên quốc tế đưa tin về hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai cảm thấy thất vọng và ngạc nhiên khi hai nước không thể đạt được một thỏa thuận sau nhiều nỗ lực đàm phán.

Phóng viên quốc tế bất ngờ khi thượng đỉnh Mỹ - Triều không đạt thỏa thuận - 1

Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un gặp nhau tại Hà Nội hôm nay 28/2. (Ảnh: Reuters)

Sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố kết thúc cuộc họp báo tại khách sạn Marriott vào chiều nay 27/2, nhiều cánh tay của các phóng viên vẫn đưa lên với hy vọng có thể đặt câu hỏi cho nhà lãnh đạo Mỹ về nội dung cuộc gặp với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un. Nhiều phóng viên và chuyên gia có mặt tại Hà Nội trong những ngày vừa qua để đưa tin và theo dõi diễn biến của hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều đã chia sẻ với phóng viên Dân Trí những đánh giá của họ về kết quả của cuộc gặp lần này.

Phóng viên quốc tế bất ngờ khi thượng đỉnh Mỹ - Triều không đạt thỏa thuận - 2

Phóng viên Zhao Yuqiao tại cuộc họp báo của Tổng thống Trump ở khách sạn Marriott. 

Phóng viên Zhao Yuqiao của báo Ta Kung Pao (Hong Kong) cho biết cô “khá thất vọng” với kết quả hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai.

“Khá thất vọng vì một đồng nghiệp của tôi từng tới dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần đầu vào năm 2018 tại Singapore đánh giá đây là một sự kiện thành công. Bản thân tôi trước khi đến Việt Nam để đưa tin về sự kiện này cũng kỳ vọng về một hội nghị thượng đỉnh thành công hơn lần đầu, chẳng hạn như một thỏa thuận nào đó. Nhưng rốt cuộc họ vẫn chưa đạt được tiến triển nào cho tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên”, Zhao chia sẻ.

Đồng tình với quan điểm trên, phóng viên Pan Mengqi của báo China Daily (Trung Quốc) cho biết cô cảm thấy “thất vọng” với kết quả của cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều lần này và cho rằng đây không phải điều mà cộng đồng quốc tế chờ đợi.

“Tuy vậy, nếu nhìn theo góc độ tích cực, việc hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều đối thoại với nhau đã là một bước tiến lớn mà trước đây chưa ai từng nghĩ tới”, Pan nói.

Phóng viên quốc tế bất ngờ khi thượng đỉnh Mỹ - Triều không đạt thỏa thuận - 3

Nhà báo Dave Boyer trả lời phỏng vấn tại Trung tâm báo chí quốc tế phục vụ hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội. 

Cảm xúc hiện tại của Dave Boyer, nhà báo của báo Washington Times (Mỹ), cũng là sự “thất vọng”.

“Thất vọng vì hai bên đã tốn nhiều thời gian, nỗ lực, tài chính để ngồi lại với nhau nhưng rốt cuộc không đạt được thỏa thuận nào. Ông Kim Jong-un muốn Mỹ dỡ bỏ toàn bộ lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên và chưa sẵn sàng giải giáp hoàn toàn vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, Mỹ không chấp nhận những điều kiện của Triều Tiên, đặc biệt trong nhiệm kỳ của ông Trump”, Dave nói.

Tuy vậy, phóng viên Mỹ vẫn hy vọng “các cuộc đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên vẫn tiếp tục” vì mối quan hệ của hai nước hiện nay đã tốt hơn so với trước đây.

Phóng viên Rihoko Akiyama của kênh TV Tokyo (Nhật Bản) cho rằng hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần này “không đạt được nhiều kết quả”.

“Trước khi tới Việt Nam, tôi từng kỳ vọng một thỏa thuận giữa Mỹ và Triều Tiên nhưng cuối cùng không có bất kỳ thỏa thuận nào. Tôi nghĩ đây là một kết quả thất bại cho cả hai bên”, Rihoko nói.

Phóng viên quốc tế bất ngờ khi thượng đỉnh Mỹ - Triều không đạt thỏa thuận - 4

Nhà báo Scottie Nell Hughes đưa tin từ Hà Nội về thượng đỉnh Mỹ - Triều. (Ảnh: RT)

Scottie Nell Hughes, nhà báo, bình luận viên chính trị, người dẫn bản tin News. Views. Hughes của hãng thông tấn RT (Nga) đã có mặt tại Hà Nội trong những ngày gần đây để đưa tin về hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều.  Scottie cho biết cô “cảm thấy thất vọng vì Mỹ và Triều Tiên không đạt được bất kỳ kết quả thực chất nào liên quan tới bán đảo Triều Tiên như hiệp ước hòa bình, rút quân đội Mỹ khỏi Hàn Quốc hay giải trừ hạt nhân”.

“Tôi vẫn phân vân không biết vì sao họ không đạt được thỏa thuận, vì trước khi tới hội nghị thượng đỉnh lần này, ông Trump vẫn tỏ ra rất lạc quan. Vào tối qua, họ vẫn dành cho nhau những lời “có cánh”, ông Trump cũng đưa ra nhiều viễn cảnh tốt đẹp về kinh tế hay an ninh cho Triều Tiên. Tuy nhiên đến ngày hôm nay, hai bên không đạt được gì cả, không có thỏa thuận nào được đưa ra. Điều này đối với tôi rất đáng lo ngại. Vì họ là hai nhà lãnh đạo, không phải lúc nào cũng có cơ hội ngồi lại với nhau”, Scottie nói.

Tuy vậy, nữ nhà báo vẫn chỉ ra điểm tích cực từ hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần này.

“Điểm tích cực ở đây là ít nhất hai nhà lãnh đạo đã ngồi lại với nhau để đối thoại. Mỹ và Triều Tiên từng trải qua thời kỳ căng thẳng khi hai bên không đối thoại với nhau. Tuy nhiên bây giờ hai nước đã làm được điều đó”, Scottie nhận định.

Lý do không đạt thỏa thuận

IMG_2245.JPG

Nhiều phóng viên muốn đặt câu hỏi cho Tổng thống Trump trong cuộc họp báo tại Hà Nội. 

 

Nhà báo Oleg Kiriyanov của Rossiyskaya Gazeta, báo nhà nước Nga, đánh giá kết quả của thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai là một “sự thất bại”. Lý giải về việc Mỹ - Triều không đạt được thỏa thuận chung, ông Olega, tiến sĩ ngành khoa học lịch sử, cho rằng “có thể do lập trường khác biệt của cả hai nước về vấn đề phi hạt nhân hóa và lệnh trừng phạt”.

“Khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau, họ đã thể hiện sự thiện chí về mặt ngoại giao. Tuy nhiên khi đi vào thảo luận chi tiết, họ bắt đầu nhận ra sự khác biệt”, nhà báo Oleg, người đã viết hơn 20 bài báo trong quá trình tác nghiệp tại Việt Nam nhân thượng đỉnh Mỹ - Triều, cho biết.

Phóng viên quốc tế bất ngờ khi thượng đỉnh Mỹ - Triều không đạt thỏa thuận - 5

Chuyên gia Kawasaki Akira của tổ chức ICAN có mặt tại Hà Nội để theo dõi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều. 

Theo chuyên gia Kawasaki Akira thuộc Chiến dịch quốc tế nhằm bãi bỏ Vũ khí hạt nhân (ICAN), tổ chức từng được trao giải Nobel Hòa bình năm 2017, lý do khiến Mỹ và Triều Tiên không đạt được thỏa thuận trong cuộc gặp lần này là do “thiếu sự chuẩn bị và thiếu sự tin tưởng”.

“Tôi không ngạc nhiên về việc các cuộc đàm phán (Mỹ - Triều) bị đổ vỡ sau khi Tổng thống Trump dành nhiều thời gian trong nhiệm kỳ của mình để phá bỏ các thỏa thuận hạt nhân, chẳng hạn với Iran hay Nga, thay vì xây dựng chúng”, ông Kawasaki nói.

“Sự thất bại của các cuộc đàm phán lần này là một bằng chứng nữa cho thấy việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên không thể chỉ phụ thuộc vào hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều. Thay vào đó, chúng ta cần một kế hoạch thực sự, bắt nguồn từ nỗ lực của cả cộng đồng quốc tế và những thỏa thuận như Hiệp ước Cấm Phổ biến Vũ khí hạt nhân để Triều Tiên có thể tham gia và bắt đầu tiến trình giải giáp vũ khí”, ông Kawasaki nói thêm.

Phóng viên quốc tế bất ngờ khi thượng đỉnh Mỹ - Triều không đạt thỏa thuận - 6

Phóng viên Josef Dollinger tác nghiệp tại Trung tâm báo chí quốc tế ở Hà Nội. 

Theo chia sẻ của Josef Dollinger, phóng viên hãng tin ABC News (Australia), ông “ngạc nhiên” vì không có thỏa thuận nào như ông kỳ vọng. Ông Josef cũng ngạc nhiên vì “cả ông Trump và ông Kim Jong-un đều muốn mang được kết quả nào đó về nước nhưng rốt cuộc họ về nước mà không đạt được gì cả”.

“Đây chưa phải là lần gặp cuối cùng. Họ có thể sẽ gặp lại nhau vào lần tới. Tuy vậy, cơ hội để hai nhà lãnh đạo gặp lại là 50 - 50”, Josef phỏng đoán.

Phóng viên quốc tế bất ngờ khi thượng đỉnh Mỹ - Triều không đạt thỏa thuận - 7

Phóng viên Suah Lee của kênh truyền hình Hàn Quốc. 

“Ngạc nhiên” cũng là phản ứng của Suah Lee, phóng viên kênh MBN (Hàn Quốc), khi nghe tin hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều không đạt được thỏa thuận sau cuộc gặp tại Việt Nam.

“Theo quan điểm cá nhân của tôi, hai nhà lãnh đạo khó đạt được thỏa thuận vì ông Kim Jong-un không bao giờ chịu từ bỏ vũ khí hạt nhân bởi đây là điều kiện sống còn của Triều Tiên. Trong khi đó, ông Trump lại mong muốn Triều Tiên phi hạt nhân hóa. Đó là sự mâu thuẫn”, Suah cho biết.

Theo nữ phóng viên Hàn Quốc, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, người đóng vai trò như bên thứ ba kết nối Mỹ - Triều, sẽ phải nỗ lực hơn nữa để tiếp tục duy trì các cuộc đối thoại giữa các bên.

Bài và ảnh: Thành Đạt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm