1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Phóng viên Iraq ném giày vào Bush giờ ra sao?

(Dân trí) - Phóng viên ném giày vào Tổng thống Mỹ Bush hôm qua đã được anh trai tới thăm và được các nhân viên gác tù tổ chức sinh nhật lần thứ 30.

Phóng viên Iraq ném giày vào Bush giờ ra sao? - 1
Phóng viên Iraq khi ném giày vào Tổng thống Bush.
Sức khỏe, tinh thần tốt

Theo người nhà của Muntadhar al-Zeidi, phóng viên trở nên nổi tiếng khắp thế giới nhờ hành động phản đối táo bạo của mình, vẫn khỏe mạnh. Anh trai của Muntadhar al-Zeidi đã được gặp gỡ em trong hai giờ đồng hồ tại một nhà giam ở Vùng Xanh, Baghdad.

Al-Zeidi đã bị giam giữ từ ngày 14/12 sau khi ném giày vào Tổng thống Bush trong một cuộc họp báo chung của ông với Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki. Kể từ đó hàng ngàn người đã biểu tình phản đối đòi thả Nouri Al-Zeidi và ngợi ca hành động của anh.

Nhiều người cũng tỏ ra lo ngại khi có thông tin anh bị đánh đập và bị tra tấn trong tù.

Thẩm phán điều tra vụ việc sau đó cho biết phóng viên Iraq bị thâm tím ở mặt và mắt khi các nhân viên an ninh vật anh xuống sàn nhà sau “sự vụ” động trời khiến Tổng thống Bush phải né người tránh.

Hiện Maitham al-Zeidi chưa lên tiếng gì về cuộc viếng thăm của anh trai. Tuy nhiên, một người anh em trai khác, Dhargham, cho biết các vết thương của anh đã lành.

“Sức khỏe của Muntadhar tốt…và tinh thần cũng phấn chấn. Hôm qua là sinh nhật của anh ấy và một số nhân viên gác yêu nước ở đó đã tổ chức tiệc sinh nhật, mang đến cho anh một chiếc bánh sinh nhật”, Dhargham al-Zeidi, cho biết.

Vụ ném giày của phóng viên Maitham al-Zeidi được người Iraq và người Hồi giáo trên khắp thế giới, những người phản đối Mỹ mang quân tới nước khác, hoan nghênh. Tuy nhiên, sự việc lại khiến Thủ tướng Iraq al-Maliki, người đứng cạnh ông Bush khi xảy ra sự việc, cảm thấy bị xúc phạm.

Al-Zeidi dự tính sẽ ra hầu tòa vào tháng 12 vừa qua vì tội tấn công một lãnh đạo nước ngoài. Theo nhóm luật sư bảo vệ phóng viên, mức án cao nhất cho tội này là 15 năm tù. Tuy nhiên, một tòa án kháng cáo hiện đang xem xét lại để giảm cáo buộc đối với phóng viên xuống còn xúc phạm ông Bush.

Luật sư bảo vệ Dhia al-Saadi cho rằng hành động của phóng viên là sự thể hiện quyền tự do biểu cảm của mỗi người.

“Hành động cả Al-Zeidi mang tính biểu tượng và chắc chắn không phải là một âm mư ám sát”, ông khẳng định và cho biết thêm đã được gặp khách hàng của mình một lần. “Tôi đã đệ đơn kiến nghị với thẩm phán phụ trách vụ việc nhiều lần. Tôi hi vọng có thể gặp Muntadhar vào tuần tới”.

Được đối đãi khá tốt

Hành động của Muntadhar Al-Zeidi đã biến anh từ một phóng viên không tên tuổi của một đài truyền hình nhỏ thành một anh hùng dân tộc đối với nhiều người Iraq, vốn đã quá chán với sự hiện diện gần 6 năm của quân Mỹ tại đây.

Nhưng anh trai của Al-Zeidi cho biết thông tin về làn sóng ủng hộ anh trên khắp thế giới bị “ém nhẹm” trong tù. “Một số nhân viên nói với Muntadhar là một nửa người Iraq phản đối anh. Nhưng Muntadhar rất vui khi nghe tin tất cả người Iraq ủng hộ mình. Muntadhar thậm chí còn khóc khi biết có các cuộc biểu tình vì mình trên cả đất Mỹ”, Dhargham al-Zeidi nói.

Người anh trai được gặp mặt Muntadhar al-Zeidi được chở bằng xe buýt tới trung tâm giam giữ và hai sỹ quan quân đội đã giám sát cuộc gặp của họ.

Theo người anh trai, hiện phóng viên Iraq đang được giam riêng ở một phòng khá tiện nghi, với giương, TV. “Các bác sỹ liên tục tới thăm nó. Đồ ăn cũng tươm tất”.

Người anh trai cũng cho biết Al-Zeidi không có ý xúc phạm Thủ tướng Iraq, nhưng cũng không muốn bỏ lỡ cơ hội gửi thông điệp tới Bush. “Nó không thể đợi cho đến khi al-Maliki rời phòng bởi khi đó Bush cũng rời đi và cơ hội lịch sử đó sẽ tuột mất”.

Anh trai của phóng viên cũng tiết lộ, thực sự thì Muntadhar al-Zeidi cũng sợ bị các vệ sỹ giết sau khi ném giày vào ông Bush. Vì vậy anh đã đọc lời cầu nguyện cuối cùng trước khi vào phòng họp báo. “Vì vậy, với nó việc bị giam giữ trong bao lâu không quan trọng”, anh trai Muntadhar al-Zeidi nói. “Bởi điều quan trọng là nó đã khơi lại được niềm tự hào của người Iraq”.

Vũ Quý

Theo AP