1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Quốc hội Iraq náo loạn vì vụ phóng viên ném giày Tổng thống Bush

(Dân trí) - Hôm qua, tình trạng lộn xộn đã xảy ra tại quốc hội Iraq quanh vụ phóng viên ném giày vào Tổng thống Mỹ Bush. Các nghị sỹ trung thành với một giáo sỹ cấp tiến chống Mỹ đòi trả tự do cho phóng viên trong khi người đứng đầu quốc hội dọa từ chức.

Muntadhar al-Zeidi, phóng viên của đài truyền hình Iraq có trụ sở tại Cairo, Ai Cập, dự định xuất hiện trước thẩm phán điều tra tại một phiên tòa vào ngày hôm qua 17/12, bước đầu tiên trong tiến trình xét xử phóng viên này. Tuy nhiên, thay vào đó, vị thẩm phán lại đến nhà giam gặp phóng viên này và gia đình anh được thông báo trở lại tòa trong 8 ngày nữa.

 

“Điều đó có nghĩa là em trai tôi đã bị đánh trọng thương. Họ sợ nếu nó xuất hiện sẽ khiến những người tham dự phiên tòa nổi giận”, Dhargham al-Zeidi, anh trai của phóng viên đã ném giày vào Tổng thống Mỹ Bush cho biết.

 

Tuy nhiên, các quan chức Iraq và một người anh em khác của phóng viên này phủ nhận thông tin Muntadhar al-Zeidi bị thương nặng. Muntadhar al-Zeidi đã bị bẻ quật xuống sàn nhà sau khi ném giày vào Tổng thống Bush tại cuộc họp báo hôm chủ nhật ở Baghdad.

 

Muntadhar al-Zeidi có thể phải đối mặt với 2 năm tù vì tội xúc phạm lãnh đạo nước ngoài. Khi ném giày, Muntadhar al-Zeidi đã hét lớn vào ông Bush bằng tiếng Ả rập: “Đây là nụ hôn tạm biệt. Đây là của những góa phụ, những em bé mồ côi và những ai đã bị giết hại tại Iraq”.

 

Thế giới Hồi giáo ủng hộ phóng viên Muntadhar al-Zeidi

 

Phản ứng ném giày vào ông Bush đã khiến phóng viên truyền hình al-Zeidi bỗng chốc trở thành anh hùng tại Iraq và khắp thế giới Hồi giáo. Họ cho rằng cá nhân ông Bush phần lớn phải chịu trách nhiệm cho cái chết của hàng chục ngàn người Iraq từ khi Mỹ đem quân đến Iraq.

 

Tại Pakistan, những người biểu tình đã thắp nến sáng bên ngoài lãnh sự quán Mỹ ở Lahore vào ngày hôm qua. Họ mang theo các bức ảnh của al-Zeidi cùng biểu tượng hình bàn tay sơn với dòng chữ: “Bush, chúng tôi căm ghét ông”. Còn ở trên một tuyến đường tại Karachi, một người đàn ông đã sơn số “10” bên trong một bàn chân, với một mũi tên chỉ vào chữ “BUSH”, ám chỉ đến câu nói đùa về kích cỡ giày của ông Bush sau khi bị ném.

 

Tại một cuộc biểu tình nhỏ ở bên ngoài sứ quán Mỹ ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, người đứng đầu một nghiệp đoàn dân sự đã trưng một đôi giày ông cho biết sẽ gửi cho phóng viên al-Zeidi, như một cử chỉ ủng hô phóng viên này.

 

Ở Iraq, các tín đồ của giáo sỹ dòng Shiite Muqtada al-Sadr chống Mỹ cùng các nhóm Shiite và Sunni khác đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình suốt 3 ngày qua yêu cầu thả phóng viên al-Zeidi.

 

Ngoài ra, những người theo giáo sỹ Sadr còn hi vọng sẽ tận dụng sự đồng cảm của công chúng đối với phóng viên bị bắt để lấy lại “đà” chính trị mà họ đã mất sau khi không ngăn chặn được thỏa thuận an ninh mới giữa Mỹ và Iraq. Thỏa thuận mới được quốc hội thông qua vào tháng trước cho phép lính Mỹ ở lại Iraq cho đến năm 2012.

 

Và vụ lộn xộn tại quốc hội Iraq

 

Hôm qua, những người ủng hộ giáo sỹ Sadr tại quốc hội đã làm gián đoạn phiên họp của các nghị sỹ định sẽ xem xét lại nghị quyết kêu gọi tất cả binh lính không phải là lính Mỹ rời Iraq cho đến cuối tháng 6.

 

Nhiều nghị sỹ theo Sadr đã xông vào, yêu cầu phiên họp phải trả lời các câu hỏi về trường hợp của phóng viên al-Zeidi, và các cáo buộc phóng viên này bị đánh đập trong tù. Tranh cãi ầm ĩđã nổ ra, sau khi các nhà lập pháp khác cho rằng trường hợp của phóng viên thuộc về trách nhiệm của tòa.

 

Khi các nhà lập pháp đang cãi lộn, chủ tịch quốc hội Mahmoud al-Mashhadani, một người Sunni, đã lớn tiếng: “Thật không có chút danh dự nào khi đứng đầu quốc hội này. Tôi tuyên bố từ chức”.

 

Al-Mashhadani nổi tiếng là người lập dị và hiện chưa rõ tuyên bố từ chức của ông có thật hay không. Một quan chức thuộc văn phòng ông này khẳng định ông Al-Mashhadani có tuyên bố từ chức, nhưng không biết liệu ông có ý định thật như vậy hay không. Và quan chức này cho rằng có thể ông chỉ nói như vậy vì quá thất vọng.

 

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, việc ông Al-Mashhadani ra đi sẽ không ảnh hưởng đến chính phủ do người Shiitte nắm giữ của Thủ tướng Nouri al-Maliki. Được biết, Thủ tướng Iraq rất tức giận và cá nhân thấy bị bẽ mặt trước hành động ném giày của phóng viên, coi đó như là sự vi phạm quy định hiếu khách của người Ả rập.

 

Còn tại Washington, phó phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ Robert Wood cho biết quyết định về xử phạt al-Zeidi thuộc về người Iraq. “Iraq là một quốc gia dân chủ, và những điều tương tự như thế này xảy ra trong một nền dân chủ”, Wood cho biết. “Vụ việc đó sẽ phải được giải quyết qua hệ thống luật của Iraq, thuộc vấn đề của người Iraq, và nên để cho người Iraq giải quyết”.

 

Tuy nhiên, tình trạng lộn xộn trong quốc hội cũng như các cuộc biểu tình trên đường phố phản ánh cảm xúc bị đè nén khắp Iraq, nơi nhiều người vẫn có những quan điểm trái ngược nhau về sự hiện diện của lính Mỹ.

 

Người Iraq dự định sẽ đi bỏ phiếu trong một cuộc trưng cầu dân ý vào mùa hè tới về thỏa thuận an ninh giữa Mỹ và Iraq, kéo dài sự hiện diện của lính Mỹ tại đây. Và những người theo giáo sỹ Sadr hi vọng sẽ dùng trường hợp của phóng viên al-Zeidi trong chiến dịch chống lại thỏa thuận trên của họ. Họ muốn người Mỹ phải rời Iraq ngay lập tức và vô điều kiện.

 

Năm 2003, nhiều người Iraq đã ăn mừng khi Saddam Hussein bị lật đổ và họ vẫn còn lo ngại không biết các chính trị gia Iraq có thể hàn gắn được đất nước sau khi người Mỹ rời đi.

 

Tuy nhiên, hầu hết họ cũng cảm thấy chán nản với hơn 5 năm mà họ xem là bị quân đội nước ngoài xâm lược và 5 năm bạo lực tuy có giảm nhưng vẫn chưa thể chấm dứt.

 

Phan Anh

Theo AP