1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Philippines yêu cầu Trung Quốc trả súng, bồi thường sau va chạm ở Biển Đông

Thành Đạt

(Dân trí) - Philippines cáo buộc hải cảnh Trung Quốc sử dụng vũ khí tấn công xuồng tiếp vận trên Biển Đông, đồng thời yêu cầu Bắc Kinh bồi thường.

Philippines yêu cầu Trung Quốc trả súng, bồi thường sau va chạm ở Biển Đông - 1

Bức ảnh do quân đội Philippines cung cấp cho thấy kính chắn gió trên một xuồng hải quân Philippines bị phá hủy sau vụ đối đầu với tàu Trung Quốc (Ảnh: Lực lượng vũ trang Philippines/AFP).

Tại cuộc họp báo hôm 19/6, các quan chức quân sự cấp cao của Philippines cho biết các sĩ quan lực lượng hải cảnh Trung Quốc đã "đổ bộ trái phép" lên các xuồng của Philippines, "cướp" 7 khẩu súng đã được tháo rời cất trong hộp đựng, "phá hủy" động cơ, thiết bị liên lạc và thiết bị dẫn đường và lấy đi các thiết bị cá nhân, điện thoại di động của các thành viên trên xuồng Philippines.

Ông Alfonso Torres Jr., chỉ huy Bộ Tư lệnh phía Tây của Lực lượng Vũ trang Philippines (AFP) cho biết: "Họ cố tình đâm thủng xuồng của chúng tôi bằng dao và các dụng cụ sắc nhọn khác".

Ông Torres xác nhận một quân nhân hải quân Philippines trên xuồng đã bị mất ngón tay cái bên phải trong vụ va chạm với hải cảnh Trung Quốc. Tổng cộng 7 quân nhân Philippines đã bị thương trong vụ việc.

Lực lượng hải cảnh Trung Quốc cũng dùng hơi cay, đèn nháy "làm chói mắt" và còi báo động liên tục, AFP cho biết.

Trong một tuyên bố, tướng Romeo Brawner Jr, Tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Philippines, đã bày tỏ sự phẫn nộ với hành động của tàu Trung Quốc. 

Tướng Brawner xác nhận vụ va chạm giữa tàu Philippines và Trung Quốc xảy ra vào ngày 17/6 khi binh sĩ Philippines cố gắng tiếp vận cho các thủy thủ đóng quân trên tàu Sierra Madre ở bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

"Lực lượng hải cảnh Trung Quốc có vũ khí sắc nhọn, trong khi các quân nhân của chúng tôi chiến đấu bằng tay không. Đó là điều đáng chú ý. Họ đông hơn chúng tôi và vũ khí gây bất ngờ cho chúng tôi, nhưng các quân nhân của chúng tôi đã chiến đấu bằng mọi thứ họ có", ông Brawner nói thêm.

Tướng Brawner tuyên bố sẽ yêu cầu Trung Quốc trả lại số vũ khí bị thu giữ.

"Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc trả lại súng và thiết bị của chúng tôi. Chúng tôi cũng yêu cầu họ bồi thường những thiệt hại mà họ đã gây ra. Họ phải bồi thường vì chúng tôi sẽ không cho phép họ phá hủy và lấy thiết bị của chúng tôi", tướng Philippines nhấn mạnh.

Philippines yêu cầu Trung Quốc trả súng, bồi thường sau va chạm ở Biển Đông - 2

Các tàu Trung Quốc, trong đó có một tàu tuần duyên, chặn một xuồng tiếp viện của Philippines đang tiến tới bãi Cỏ Mây hôm 17/6 (Ảnh: CCTV).

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết "các biện pháp thực thi pháp luật" do lực lượng bảo vệ bờ biển nước này thực hiện trong cuộc đối đầu là "chuyên nghiệp và kiềm chế" và "không có biện pháp trực tiếp nào được thực hiện đối với nhân viên Philippines".

Quân đội Philippines đã gia cố tàu BRP Sierra Madre mắc cạn trên bãi Cỏ Mây, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, từ năm 1999.

BRP Sierra Madre từng là tàu đổ bộ dài 100m từng thuộc biên chế của hải quân Mỹ trong Thế chiến 2. Tàu sau đó được chuyển cho Philippines và hải quân nước này đã cố ý cho tàu lao vào Bãi Cỏ Mây, mắc cạn tại đây và biến thành một tiền đồn đóng quân trái phép. 

Bắc Kinh tuyên bố cho phép thực hiện các nhiệm vụ tiếp tế lương thực và vật dụng sinh hoạt cơ bản cho tàu mắc cạn của Philippines, nhưng hạn chế sử dụng "nhiệm vụ này như một cái cớ để cung cấp vật liệu xây dựng trong nỗ lực kiểm soát vĩnh viễn" bãi Cỏ Mây.

Trong vụ việc hôm 17/6, lực lượng hải cảnh Trung Quốc cho biết các biện pháp đã được thực hiện đối với các xuồng Philippines, bao gồm cảnh báo và ngăn chặn, lên tàu kiểm tra và buộc trục xuất vì các xuồng Philippines đã "tiến vào trái phép" vùng biển và "tiếp cận một cách nguy hiểm" một tàu Trung Quốc. Tuyên bố khẳng định trách nhiệm về "vụ va chạm hoàn toàn thuộc về phía Philippines".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Li Jian cho biết: "Các biện pháp thực thi pháp luật mà lực lượng hải cảnh Trung Quốc thực hiện tại chỗ là chuyên nghiệp và có tính kiềm chế, nhằm ngăn chặn việc tiếp tế bất hợp pháp của các tàu Philippines và không có hành động trực tiếp nào được thực hiện đối với lực lượng Philippines".

Đây là vụ "khám xét tàu" đầu tiên được thực hiện kể từ khi Trung Quốc đưa ra các quy định thực thi pháp luật mới cho lực lượng tuần duyên nước này. Quy định mới cho phép lực lượng tuần duyên Trung Quốc kiểm tra hàng hóa trong quá trình khám xét tàu trong "lãnh thổ Trung Quốc".

Theo GMA News