1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Trung Quốc lần đầu "khám xét" tàu Philippines ở Biển Đông sau quy định mới

Thành Đạt

(Dân trí) - Các tàu Trung Quốc, trong đó có tàu tuần duyên, bị cáo buộc bao vây một xuồng hải quân Philippines giữa lúc căng thẳng leo thang trên Biển Đông.

Trung Quốc lần đầu khám xét tàu Philippines ở Biển Đông sau quy định mới - 1

Các tàu Trung Quốc, trong đó có một tàu tuần duyên, chặn một xuồng tiếp viện của Philippines đang tiến tới bãi Cỏ Mây hôm 17/6 (Ảnh: CCTV).

Những bức ảnh do đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV công bố hôm 19/6 cho thấy xuồng tiếp viện của hải quân Philippines bị các tàu Trung Quốc bao vây, trong đó có một tàu tuần duyên nhỏ. Các thành viên lực lượng tuần duyên Trung Quốc được nhìn thấy trên xuồng tiếp viện của Philippines, theo SCMP.

Vụ việc xảy ra hôm 17/6 khi xuồng Philippines đang thực hiện nhiệm vụ tiếp viện cho tàu chiến Philippines bị mắc cạn tại bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông.

Đây là vụ "khám xét tàu" đầu tiên được thực hiện kể từ khi Trung Quốc đưa ra các quy định thực thi pháp luật mới cho lực lượng tuần duyên nước này. Quy định mới cho phép lực lượng tuần duyên Trung Quốc kiểm tra hàng hóa trong quá trình khám xét tàu trong "lãnh thổ Trung Quốc".

Quân đội Philippines đã gia cố tàu BRP Sierra Madre mắc cạn trên bãi Cỏ Mây, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, từ năm 1999.

BRP Sierra Madre từng là tàu đổ bộ dài 100m từng thuộc biên chế của hải quân Mỹ trong Thế chiến 2. Tàu sau đó được chuyển cho Philippines và hải quân nước này đã cố ý cho tàu lao vào Bãi Cỏ Mây, mắc cạn tại đây và biến thành một tiền đồn đóng quân trái phép. 

Bắc Kinh tuyên bố cho phép thực hiện các nhiệm vụ tiếp tế lương thực và vật dụng sinh hoạt cơ bản cho tàu mắc cạn của Philippines, nhưng hạn chế sử dụng "nhiệm vụ này như một cái cớ để cung cấp vật liệu xây dựng trong nỗ lực kiểm soát vĩnh viễn" bãi Cỏ Mây.

Trong vụ việc căng thẳng hôm 17/6, quân đội Philippines cáo buộc phía Trung Quốc "cố ý đâm va tốc độ cao". Các phương tiện truyền thông cho biết, hai xuồng cao su của Philippines đã bị lực lượng tuần duyên Trung Quốc kéo đi, sau đó bỏ lại.

Theo hãng tin AP, 8 thủy thủ Philippines đã bị thương trong vụ va chạm, trong đó có một người bị mất ngón tay.

Lực lượng tuần duyên Trung Quốc trước đó cho biết các biện pháp đã được thực hiện đối với các tàu Philippines, bao gồm cảnh báo và ngăn chặn, lên tàu kiểm tra và buộc trục xuất vì các tàu Philippines đã "tiến vào trái phép" vùng biển và "tiếp cận một cách nguy hiểm" một tàu Trung Quốc. Tuyên bố khẳng định trách nhiệm về "vụ va chạm hoàn toàn thuộc về phía Philippines".

Bắc Kinh và Manila đổ lỗi cho nhau về vụ va chạm này. Bộ Ngoại giao Philippines gọi hành động của Trung Quốc là "bất hợp pháp và liều lĩnh".

 "Philippines đã nỗ lực xây dựng lại một môi trường thuận lợi cho đối thoại và tham vấn với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Điều này không thể đạt được nếu lời nói của Trung Quốc không tương thích với hành động của họ trên biển", Bộ Ngoại giao Philippines tuyên bố hôm 19/6.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Li Jian cho biết: "Các biện pháp thực thi pháp luật mà lực lượng tuần duyên Trung Quốc thực hiện tại chỗ là chuyên nghiệp và có tính kiềm chế, nhằm ngăn chặn việc tiếp tế bất hợp pháp của các tàu Philippines và không có hành động trực tiếp nào được thực hiện đối với lực lượng Philippines".

Đổ lỗi vụ việc cho phía Philippines, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc Manila đã tìm cách đưa vật liệu xây dựng, thậm chí vũ khí và đạn dược cho quân nhân đồn trú trên bãi cạn như một phần trong kế hoạch kiểm soát khu vực tranh chấp này.

Mỹ đầu tuần này tuyên bố đứng về phía đồng minh Philippines và lên án "những hành động leo thang và vô trách nhiệm" của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Mỹ cũng nhắc lại rằng các cuộc tấn công vũ trang vào lực lượng vũ trang, tàu, máy bay và lực lượng bảo vệ bờ biển của Philippines sẽ viện dẫn hiệp ước phòng thủ chung giữa hai nước.

Theo SCMP