1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Philippines "ra giá" 16 tỷ USD để gia hạn thỏa thuận an ninh với Mỹ

Minh Phương

(Dân trí) - Tổng thống Philippines đề nghị Mỹ phải tăng gấp 4 lần viện trợ cho Manila để đổi lại việc gia hạn một thỏa thuận an ninh giữa hai quốc gia đồng minh này.

Philippines ra giá 16 tỷ USD để gia hạn thỏa thuận an ninh với Mỹ - 1
Binh sĩ thủy quân lục chiến Mỹ ở Philippines. (Ảnh: Reuters)

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), sau cuộc đàm phán gần đây giữa giới chức Mỹ, Philippines, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nói rằng, Mỹ phải trả tiền nếu muốn duy trì Thỏa thuận Các lực lượng viếng thăm (VFA) giữa hai nước. "Đây là một nhiệm vụ chung, nhưng không có chuyện miễn phí", ông Duterte nói hôm 12/2.

Ông Duterte lập luận, Philippines là vị trí thuận lợi nhất trong khu vực cho lực lượng quân sự của Mỹ đồn trú. Phát biểu của ông Duterte dường như ngầm đề cập đến vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Phát ngôn viên của ông Duterte, ông Harry Roque, nêu rõ Mỹ cần tăng viện trợ cho Philippines lên gần mức 16,4 tỷ USD mà Washington viện trợ cho Pakistan giai đoạn 2002- 2017, thay vì mức 3,9 tỷ USD cho Philippines trong giai đoạn đó. Ông Roque cho biết, ông đã lấy những số liệu đó từ báo cáo năm 2018 của Trung tâm Stimson có trụ sở tại Washington.

"Sao chúng ta không tính phí họ để chúng ta có thể sử dụng số tiền đó trang trải cho cuộc chiến ứng phó Covid-19, cho chương trình chăm sóc y tế và đầu tư hệ thống thủy lợi cho người nông dân", ông Roque nêu câu hỏi.

"Giao dịch nguy hiểm"

Đàm phán VFA diễn ra sau khi ông Duterte bất ngờ tuyên bố dừng thỏa thuận này với Mỹ. Đây là thỏa thuận vốn cho phép Mỹ đưa lực lượng quân sự đến Philippines nhằm hỗ trợ hiệp định quốc phòng mà hai bên ký kết từ năm 1951. Mỹ hiện có gần 200 quân nhân ở Philippines, chủ yếu làm nhiệm vụ phản gián. Con số này quá ít so với hàng chục năm trước khi Mỹ sử dụng một căn cứ hải quân và một căn cứ không quân ở Philippines.

Một số người chỉ trích cho rằng, việc ông Duterte rút lại sự ủng hộ với VFA là động thái cho thấy chính quyền của ông đang xích lại gần Trung Quốc, trong khi xa rời đồng minh truyền thống - Mỹ. Giờ đây, không ít người chỉ trích cho rằng ông đang tìm cách "đánh phí" trên cảm giác bất an của Washington trước ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc ở khu vực. Đáp lại, ông Duterte cho rằng những người chỉ trích ông "không hiểu biết".

Greg Poling, một chuyên gia về Biển Đông của Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và Chiến lược (CSIS), bình luận: "Tất nhiên Mỹ hiểu rằng an ninh và viện trợ kinh tế là hai yếu tố không thể tách rời trong cuộc đàm phán. Họ từng làm điều tương tự với tất cả các cuộc đàm phán về Hiệp ước quốc phòng chung và Thỏa thuận về duy trì các căn cứ quân sự, vậy VFA có gì khác biệt. Tuy nhiên, ông Roque đang định hình liên minh Mỹ - Philippines là vấn đề một chiều mà theo đó Mỹ phải trả phí để trở thành đồng minh của Philippines. Đây là một giao dịch nguy hiểm khi định hình mối quan hệ, nhưng may mắn thay đó không phải là một quan điểm nhiều người ủng hộ", ông Poling nhận định.

Chuyên gia Poling lưu ý thêm, năm ngoái, Mỹ đã viện trợ 428 triệu USD cho Philippines, đây là khoản viện trợ lớn nhất của Washington cho các quốc gia ở Đông Á.

Tuy nhiên, ông Derek Grossman, chuyên gia an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Rand Corporation, không đồng tình với quan điểm này. "Tôi nghĩ ông Duterte hoàn toàn nghiêm túc bởi ông ấy nhiều lần tuyên bố Washington cần chuẩn bị sẵn những nhượng bộ để đổi lấy việc được tiếp cận quân sự ở Philippines. Con số 16 tỷ USD liệu có thể đàm phán hay không vẫn còn gây tranh cãi, nhưng ít nhất đây là điểm khởi đầu", ông Grossman nói.