1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Philippines phát hiện ca nhiễm biến chủng Lambda đầu tiên

Minh Phương

(Dân trí) - Ca nhiễm biến chủng Lambda đầu tiên ở Philippines là một nữ bệnh nhân không có triệu chứng.

Philippines phát hiện ca nhiễm biến chủng Lambda đầu tiên - 1

Người dân ở Manila, Philippines xếp hàng chờ tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 (Ảnh: Reuters).

Hãng tin Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) dẫn thông cáo ngày 15/8 của Bộ Y tế Philippines cho biết, bệnh nhân nhiễm biến chủng Lambda đầu tiên ở nước này là một phụ nữ 35 tuổi. Người này không có triệu chứng và đã phục hồi sau 10 ngày cách ly.

Hiện chưa rõ bệnh nhân là người ở địa phương hay từ nước ngoài trở về, giới chức Philippines đang tiến hành truy vết tiếp xúc.

Lambda được phát hiện đầu tiên ở Lima (Peru) vào tháng 8/2020. Sau đó, Lambda lây lan nhanh ở các khu vực Nam Mỹ (Chile, Ecuador, Argentina, Brazil) và hiện nay đã xuất hiện ở hàng chục quốc gia.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hiện mới liệt kê Lambda là "biến chủng đáng quan tâm" thay vì "biến chủng đáng lo ngại". Tuy vậy, nghiên cứu của các nhà khoa học Nhật Bản chỉ ra rằng, biến chủng Lambda dường như dễ lây lan và có khả năng kháng vắc xin hơn nếu so với chủng virus ban đầu phát hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc hồi cuối năm 2019.

Theo một số nghiên cứu, Lambda mang 2 đột biến T76I và L452Q có khả năng làm tăng khả năng lây nhiễm so với chủng gốc SARS-CoV-2. Ngoài ra, nó còn mang 3 đột biến RSYLTPGD246-253N, 260 L452Q và F490S có thể thoát khỏi kháng thể trung hòa sau khi nhiễm và sau khi tiêm các loại vắc xin.

Hiện chưa có bằng chứng cụ thể về việc liệu Lambda có nguy hiểm hơn biến chủng Delta hay không, tuy nhiên nhà nghiên cứu Kei Sato từ đại học Tokyo cảnh báo Lambda "có thể trở thành mối đe dọa tiềm tàng".

Trước Philippines, Nhật Bản cũng đã ghi nhận ca nhiễm biến chủng Lambda hồi đầu tháng này. Bệnh nhân là một phụ nữ khoảng 30 tuổi từ Peru đến sân bay Haneda hôm 20/7. Người này có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 khi được làm xét nghiệm tại sân bay, nhưng không có triệu chứng.

Philippines đang đối phó với làn sóng Covid-19 mới nguyên nhân chính là do biến chủng Delta. Vài tuần gần đây, Philippines đã phát hiện hơn 330 ca nhiễm Delta.

Trong ngày 15/8, Philippines ghi nhận gần 15.000 ca mắc mới, số người mắc trong ngày nhiều thứ hai kể từ đầu dịch. Tính đến hiện tại, Philippines có khoảng 1,74 triệu người mắc Covid-19. Trong ngày, Philippines cũng ghi nhận thêm 270 trường hợp tử vong do Covid-19, nâng số người chết vì đại dịch ở đây lên hơn 30.000 người.

Để ngăn đà lây lan của dịch, Philippines đã phong tỏa trở lại thủ đô Manila từ ngày 6/8. Lệnh phong tỏa kéo dài hai tuần. Theo đó, chỉ các cơ sở kinh doanh thiết yếu mới được phép hoạt động, chỉ người lao động trong các ngành thiết yếu mới được ra ngoài.

Giới chuyên gia cảnh báo nếu không siết chặt các biện pháp hạn chế ở thủ đô Manila thì hệ thống y tế của thành phố có thể rơi vào tình trạng quá tải vì số người nhiễm gia tăng nhanh chóng.