Nhật Bản ghi nhận ca nhiễm biến chủng Lambda đầu tiên
(Dân trí) - Nhật Bản phát hiện một bệnh nhân Covid-19 nhiễm biến chủng Lambda, biến chủng được ghi nhận lần đầu tại Peru có thể dễ lây lan hơn, kháng vắc xin mạnh hơn so với chủng ban đầu của virus SARS-CoV-2.
Bloomberg dẫn lời giới chức y tế Nhật Bản ngày 6/8 cho biết, bệnh nhân đầu tiên nhiễm biến chủng Lambda ở Nhật Bản là một phụ nữ khoảng 30 tuổi từ Peru đến sân bay Haneda hôm 20/7. Người này có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 khi được làm xét nghiệm tại sân bay, nhưng không có triệu chứng.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến thể Lambda được phát hiện đầu tiên ở Lima (Peru) vào tháng 8/2020. Kể từ khi xuất hiện, biến chủng này được ghi nhận trong phần lớn số ca nhiễm mới ở Peru. Sau đó, Lambda lây lan nhanh ở các khu vực Nam Mỹ (Chile, Ecuador, Argentina, Brazil) và hiện nay đã xuất hiện ở khoảng 30 quốc gia.
WHO mới đang liệt kê Lambda là "biến chủng đáng quan tâm" thay vì "biến chủng đáng lo ngại". Tuy vậy, nghiên cứu của các nhà khoa học Nhật Bản chỉ ra rằng, biến chủng Lambda dường như dễ lây lan và có khả năng kháng vắc xin hơn nếu so với chủng virus ban đầu phát hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc hồi cuối năm 2019.
Các nghiên cứu chỉ ra, Lambda mang 2 đột biến T76I và L452Q có khả năng làm tăng khả năng lây nhiễm so với chủng gốc SARS-CoV-2. Ngoài ra, nó còn mang 3 đột biến RSYLTPGD246-253N, 260 L452Q và F490S có thể thoát khỏi kháng thể trung hòa sau khi nhiễm và sau khi tiêm các loại vắc xin.
Hiện chưa có bằng chứng cụ thể về việc liệu Lambda có nguy hiểm hơn biến chủng Delta hay không, tuy nhiên nhà nghiên cứu Kei Sato từ đại học Tokyo cảnh báo Lambda "có thể trở thành mối đe dọa tiềm tàng với xã hội loài người".
Sự xuất hiện của các biến chủng mới đang đe dọa những thành quả ứng phó dịch của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có các nước châu Á. Biến chủng Delta - một trong 4 biến chủng đáng lo ngại - khiến số ca nhiễm và nhập viện ở Nhật Bản tăng mạnh trở lại gần đây.
Tính đến ngày 6/8, Nhật Bản đã vượt mốc 1 triệu ca Covid-19. Riêng trong ngày hôm qua, Nhật Bản ghi nhận kỷ lục gần 16.000 ca mắc mới. Tính đến ngày 5/8, số bệnh nhân Covid-19 thể nặng ở Nhật Bản đã tăng lên 1.020 người, cao nhất kể từ tháng 6. Ở các điểm nóng bùng phát dịch như Tokyo, nhiều bệnh viện đã quá tải.
Để tránh nguy cơ hệ thống y tế bị quá tải, Nhật Bản đã quyết định chỉ nhập viện các ca bệnh Covid-19 nặng, trong khi trường hợp nhẹ có thể theo dõi và điều trị tại nhà.
"Số ca nhiễm ở người trẻ hơn đang tăng. Đặc biệt, số ca có triệu chứng nặng ở những người ở tuổi ngoài 40 và 50 ngày càng nhiều. Hiện nay, số người phải nhập viện vì sốc nhiệt cũng tăng, nên một số bệnh nhân Covid-19 bị từ chối nhập viện và phải tự điều trị tại nhà", Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato cho biết.
Ngoài ra, để ngăn chặn đà lây lan của dịch, giới chức Nhật Bản quyết định mở rộng các biện pháp hạn chế với một số địa phương. Các lệnh này dự kiến kéo dài đến hết tháng 8. Nhiều chuyên gia thậm chí kêu gọi chính phủ Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc.