1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Philippines: Khi những nhân vật cứng rắn quay trở lại

Kết quả bầu cử Tổng thống Philippines cho thấy người dân Philippines đã đặt niềm tin của họ vào một nhà lãnh đạo với những phát biểu cứng rắn.

Ông Rodrigo Duterte hứa sẽ nỗ lực hết sức trong vai trò Tổng thống Philippines. (Nguồn: Reuters)
Ông Rodrigo Duterte hứa sẽ nỗ lực hết sức trong vai trò Tổng thống Philippines. (Nguồn: Reuters)

Theo kết quả kiểm phiếu, Thị trưởng thành phố Davao Rodrigo Duterte đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Philippines, bỏ xa hai đối thủ về sau là cựu Bộ trưởng Nội vụ Manuel Mar Roxas và Thượng nghị sĩ Grace Poe.

Với kết quả này, có thể nói, người dân Philippines đã trao quyền cho một nhà lãnh đạo có những phát biểu cứng rắn thậm chí "gây sốc" với tư tưởng dân túy còn được mệnh danh là “Donald Trump phiên bản 2”. Liệu nhà lãnh đạo mới có khả năng tiếp tục thúc đẩy được triển vọng của quốc gia nằm trong khu vực có tốc độ phát triển hàng đầu thế giới hay không? Đây là câu hỏi mà cộng đồng quốc tế cũng như người dân Philippines đang chờ câu trả lời.

Triển vọng chính trị

Theo các chuyên gia, chiến thắng của ông Duterte sẽ tạo ra những yếu tố khó lường mới trong cuộc đối đầu giữa Manila và Bắc Kinh tại Biển Đông bởi nó diễn ra ngay trước thời điểm Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) sắp ra phán quyết về vụ kiện của Philippines với Trung Quốc.

Theo hãng tin Reuters, ông Duterte tuyên bố nếu trở thành Tổng thống, ông sẽ giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông thông qua đàm phán đa phương, trong đó bao gồm các đồng minh của Manila là Mỹ, Nhật Bản và Australia cũng như các bên tuyên bố chủ quyền khác. Trong một bài phát biểu, ông Duterte nhấn mạnh lập trường của mình rằng Trung Quốc cần tôn trọng Vùng Đặc quyền Kinh tế 200 hải lý mà các quốc gia ven biển được hưởng theo luật pháp quốc tế và nên hợp tác với Philippines để cùng khai thác dầu khí ngoài khơi.

Bên cạnh đó, việc nhà lãnh đạo này lên nắm quyền cũng sẽ đẩy Australia vào thế tiến thoái lưỡng nan khi hai nước tiến hành kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm nay sau khi mối bang giao giữa Canberra cùng chính quyền sắp mãn nhiệm của Tổng thống Benigno Aquino ngày càng nồng ấm.

Ngoài ra, trong bối cảnh khu vực đang có sự thay đổi, như việc quân đội quay trở lại nắm quyền tại Thái Lan và cố tình trì hoãn bầu cử, trong khi Thủ tướng Malaysia né tránh cáo buộc tham nhũng bằng chiến thuật can thiệp mạnh vào ngành tư pháp, cùng nhiều bất ổn tại các quốc gia khác và nguy cơ chủ nghĩa khủng bố lan rộng... có lẽ đã khiến các cử tri Philippines quyết định bỏ phiếu ủng hộ một ứng cử viên được xem là khá cứng rắn.

Trong suốt 22 năm làm Thị trưởng Davao, thành phố 1,4 triệu dân ở miền Nam Philippines, ông Duterte đã có những biện pháp mạnh tay để xử lý tình trạng tội phạm tràn lan. Ngày nay, thành phố ở đảo Midanao này được ca tụng là một trong những nơi an toàn nhất tại Philippines. Ông Duterte từng quả quyết: “Lý do duy nhất để Davao có được hòa bình và trật tự như ngày nay là nhờ có tôi”.

Phát biểu tại thành phố Davao, ông Duterte khẳng định sẽ “làm việc vì người dân” và trong quá trình tranh cử, ông đã từng cam kết nếu đắc cử sẽ nỗ lực quét sạch tội phạm và tham nhũng.

Hoài nghi kinh tế

Trong nhiệm kỳ 6 năm của Tổng thống Aquino, Philippines là một trong những điểm sáng tại châu Á khi nền kinh tế đạt mức tăng trưởng đáng ngạc nhiên nhất trong khu vực. Chính quyền của Tổng thống Aquino đã triển khai những biện pháp chắc chắn, từng bước điều chỉnh nền kinh tế để giảm thiểu nạn tham nhũng và trốn thuế. Qua đó, Philippines đã thu về nhiều nguồn tài chính để đầu tư vào cơ sở hạ tầng - yếu tố đặc biệt quan trọng với các ngành công nghiệp chế biến và gia công, hay ngành du lịch của nước này.

Bên cạnh đó, quá trình điều hành đất nước với những biện pháp giữ ổn định, hợp lý của ông Aquino trong suốt những năm gần đây đã tạo niềm tin cho giới đầu tư nước ngoài, trong bối cảnh nền dân chủ đã ăn sâu bám rễ ở nhiều quốc gia Đông Nam Á, tạo nền tảng vững chắc cho khu vực phát triển nhanh nhất thế giới này.

Tuy nhiên, trong suốt quá trình tranh cử, ông Duterte, người vừa tuyên bố chiến thắng hôm 10/5, đã vạch ra một chính sách kinh tế được đánh giá là thiếu thống nhất khi chủ yếu cam kết với các cử tri về việc sẽ tiếp tục các biện pháp mạnh tay trấn áp tội phạm.

Những gì ông Duterte đã làm khiến nhiều người không khỏi lo ngại về nguy cơ Philippines sẽ rơi vào một giai đoạn khủng hoảng chính trị mới, tương tự những gì đã diễn ra sau khi nhà lãnh đạo độc tài lâu năm Ferdinand Marcos bị bãi nhiệm năm 1986. Mối lo ngại này ngày càng gia tăng sau khi có thông tin rằng con trai của ông Marcos là một trong các ứng cử viên cho vị trí Phó Tổng thống và sẽ trở thành người kế nhiệm ông Duterte trong trường hợp nhà lãnh đạo này gặp sự cố.

Dẫu sao, dù là triển vọng hay hoài nghi thì có một điều chắc chắn rằng vị Tổng thống “Donald Trump phiên bản 2” đầy thú vị này sẽ đem lại nhiều màu sắc mới mẻ cho đất nước vạn đảo.

Theo AFR

Thế giới và Việt Nam