1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Philippines hủy đàm phán khai thác năng lượng với Trung Quốc ở Biển Đông

Đức Hoàng

(Dân trí) - Philippines tuyên bố đã hủy bỏ hoàn toàn việc đàm phán với phía Trung Quốc về dự án khai thác năng lượng chung ở Biển Đông vì các vấn đề liên quan tới hiến pháp.

Philippines hủy đàm phán khai thác năng lượng với Trung Quốc ở Biển Đông - 1

Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin (Ảnh: AFP).

Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin ngày 23/6 thông báo, các cuộc đàm phán với Trung Quốc về việc hợp tác khai thác năng lượng chung ở Biển Đông đã bị hủy bỏ. Ông Locsin viện dẫn các thách thức về hiến pháp và vấn đề chủ quyền là nguyên nhân khiến Manila đưa ra quyết định như vậy.

"Tổng thống đã nói rõ: Các cuộc đàm phán về khai thác dầu và khí đốt đã dừng hoàn toàn. Không còn hạng mục nào trong trạng thái chờ. Mọi thứ đã dừng lại", ông Locsin dẫn lại lời của Tổng thống Rodrigo Duterte.

Philippines bắt đầu đàm phán với Trung Quốc về việc khai thác chung trên Biển Đông từ năm 2018.

"Chúng tôi đã đi xa hết mức có thể theo con đường tuân thủ hiến pháp. Tiến thêm một bước nữa, chúng ta có thể đứng trên bờ vực rơi vào khủng hoảng hiến pháp", ông Locsin giải thích.

Hiện chưa rõ thời điểm mà quyết định trên được phía Philippines đưa ra. Phía Trung Quốc chưa bình luận về vụ việc.

Trước đó, 2 nước đã thiết lập một nhóm làm việc đặc biệt để tìm ra phương pháp cùng khai thác dầu khí ở Biển Đông. 

Tuy nhiên, sau vài năm bàn bạc, Tổng thống Duterte đã quyết định hủy bỏ các cuộc đàm phán.

Năm 2019, Tổng thống Duterte cho biết Trung Quốc đề xuất với Philippines về việc góp cổ phần trong một dự án hợp tác năng lượng chung ở Biển Đông, nếu Philippines bỏ qua phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực ở Hà Lan hồi năm 2016. Phán quyết của tòa bác bỏ yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông, song Bắc Kinh nhiều lần tuyên bố không công nhận phán quyết này.

Hồi năm 2020, Trung Quốc nói rằng 2 nước đã đồng ý gác lại vấn đề tranh chấp trên Biển Đông để hướng tới mục tiêu hợp tác và đối thoại.

Theo Reuters