1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Philippines bố trí máy bay chiến đấu, tàu khu trục đề phòng Trung Quốc

(Dân trí) - Philippines sẽ đồn trú các máy bay chiến đấu mới và 2 tàu khu trục tại một căn cứ hải quân cũ của Mỹ ở Vịnh Subic kể từ đầu năm tới nhằm đối phó với các động thái của Trung Quốc ở Biển Đông. Đây là lần đầu tiên Vịnh Subic được sử dụng như một căn cứ quân sự trong 23 năm qua.

Một tàu chiến Mỹ neo đậu tại Vịnh Subic tháng 3/2015 (Ảnh: Stripes)
Một tàu chiến Mỹ neo đậu tại Vịnh Subic tháng 3/2015 (Ảnh: Stripes)

Bố trí đơn vị không quân

Hai máy bay chiến đấu tấn công hạng nhẹ FA-50 do tập đoàn Công nghiệp hàng không vũ trụ Hàn Quốc (KAI) chế tạo, những chiếc đầu tiên trong số 12 chiếc đặt hàng hồi năm ngoái, có thể sẽ đồn trú tại Căn cứ hải quân Cubi cũ ở Vịnh Subic kể từ đầu năm 2016, hai tướng lĩnh Philippines giấu tên tiết lộ với hãng tin Reuters. Hai máy bay này sẽ được bàn giao vào tháng 12 năm nay.

Toàn bộ phi đội FA-50 cũng có thể đồn trú tại Subic, cùng Đơn vị máy bay chiến đấu số 5, được chuyển đến từ một căn cứ ở phía bắc đảo Luzon. Hai tàu khu trục hải quân cũng có thể đồn trú tại cảng Alava của Vịnh Subic.

Theo hai vị tướng của Philippines, sự gần gũi với Biển Đông và việc tạo điều kiện để căn cứ đi vào hoạt động là nguyên nhân của động thái trên.

"Đã có các cơ sở sẵn có tại Vịnh Subic. Chúng tôi chỉ cần tân trang chúng", một quan chức nói.

Việc sử dụng Vịnh Subic cho phép hải quân và không quân Philippines phản ứng hiệu quả hơn với các động thái của Trung Quốc ở Biển Đông, giới chuyên gia an ninh nhận định. Cảng nước sâu của Vịnh Subic nằm trên bờ phía tây của đảo chính Luzon, bên bờ Biển Đông.

"Giá trị của Subic xét ở góc độ một căn cứ quân sự đã được người Mỹ chứng minh. Các nhà hoạch định quân sự Trung Quốc biết điều đó", ông Rommel Banlaoi, một chuyên gia an ninh Philippines, cho hay.

Từng là một trong những căn cứ hải quân lớn nhất của Mỹ trên thế giới, Vịnh Subic đã bị đóng cửa vào năm 1992 sau khi thượng viện Philippines chấm dứt thỏa thuận với Washington ở thời kỳ cuối Chiến tranh Lạnh.

Manila đã biến căn cứ này, vốn chưa từng trở thành căn cứ của quân đội Philippines, thành một khu kinh tế.

Thứ trưởng Quốc phòng Philippines Pio Lorenzo Batino cho biết quân đội nước này hồi tháng 5 đã ký kết một thỏa thuận với hãng điều hành khu kinh tế, Cơ quan Quản lý Đô thị Vịnh Subic (SBMA), để sử dụng các khu vực của địa điểm này theo một hợp đồng thuê mới kéo dài 15 năm.

Các tàu chiến Mỹ thường xuyên thăm Vịnh Subic kể từ năm 2000, nhưng chỉ neo đậu trong các cuộc tập trận với quân đội Philippines, hoặc sử dụng các địa điểm thương mại cho việc sửa chữa và tiếp tế.

Mỹ đang chờ thời cơ

Giới chức cho hay một khu Vịnh Subic lại trở thành một căn cứ quân sự, hải quân Mỹ có thể được tiếp cận nhiều hơn với khu vực này thông qua một thỏa thuận được ký kết hồi năm ngoái, cho phép các binh Mỹ sử dụng các cơ sở quân sự địa phương, mặc dù thỏa thuận đang bị đóng băng sau khi nó bị thách thức tại Tòa án tối cao Philippines.

Việc sử dụng Vính Subic có thể là động thái quân sự mới nhất của Philippines nhằm đối đầu với các tham vọng biển của Trung Quốc.

Ngoài tăng cường hợp tác an ninh với Mỹ, Nhật Bản, Việt Nam, quân đội Philippines cũng có kế hoạch chi 20 tỷ USD trong 13 năm tới để hiện đại hóa các lực lượng vũ trang, một trong những lực lượng yếu nhất tại Đông Nam Á.

Trung Quốc, bên đơn phương tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, cho biết nước này đã biết về các thông tin tăng cường quân đội của Philippines.

Mặc dù Vịnh Subic đã không được sử dụng làm một căn cứ quân sự trong hơn 2 thập niên qua nhưng nó nằm trong 8 địa điểm mà các lực lượng vũ trang Philippines cho biết quân đội Mỹ có thể sử dụng theo hiệp ước phòng thủ năm 2014.

Thỏa thuận hợp tác phòng thủ tăng cường (EDCA) sẽ cho phép quân đội Mỹ triển khai tại các căn cứ của Philippines trong các thời kỳ dài hơn là theo các hiệp ước hiện thời, cũng như có thể xây dựng các căn cứ và cơ sở phục vụ mục đích hậu cần.

Tuy nhiên, EDCA đã bị đóng băng sau khi các chính trị gia cánh tả thách thức giá trị pháp lý của nó hồi năm ngoái. Tòa án Tối cao Philippines dự kiến sẽ đưa ra phán quyết trong những tháng tới.

"Subic có thể là một trong những địa điểm... theo EDCA", Thứ trưởng Quốc phòng Philippines Pio Lorenzo Batino cho hay.

Trong khi đó, Lầu Năm Góc nói rằng đã có các cuộc thảo luận không chính thức về các căn cứ quân sự Philippines nhưng chưa kế hoạch nào được thực thi cho tới khi Tòa án Tối cao Philippines đưa ra phán quyết.

Bãi cạn chiến lược

Các chuyên gia an ninh nhấn mạnh rằng Vịnh Subic chỉ nằm cách bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham 270 km. Trung Quốc đã chiếm bãi cạn này từ tay Philippines hồi năm 2012 trong cuộc đối đầu kéo dài 3 tháng với hải quân Philippines.

Quần đảo Trường Sa, nơi Trung Quốc đang xây dựng 7 đảo nhân tạo, cùng các cơ sở quân sự, nằm xa hơn về phía tây nam của bãi cạn.

Một ngày nào đó, Trung Quốc có thể biến Bãi cạn Scarborough thành một đảo nhân tạo, điều có thể gây khó khăn hơn cho Philippines trong việc bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý ngoài khơi Luzon, ông Patrick Cronin, một chuyên gia khu vực tại Trung tâm an ninh Mỹ mới ở Washington, nhận định.

"Máy bay chiến đấu FA-50 có thể tới bãi cạn Scarborough chỉ trong vòng vài phút và các máy bay tuần tra hàng hải hay máy bay do thám có thể theo dõi toàn bộ các động thái của Trung Quốc trong khu vực".

"Một sự trở lại Subic, mà lần này là do không quân Philippines dẫn dầu, dường như là một biện pháp phòng thủ khôn ngoan", ông Cronin nói.

An Bình