1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Philippines “bê tông hóa” tàu hải quân mắc cạn trên Biển Đông

(Dân trí) - Từ nhiều tháng qua, quân đội Philippines đã lặng lẽ gia cố chiếc tàu hải quân BRP Sierra Madre mắc cạn trên bãi Cỏ Mây từ năm 1999, trong bối cảnh Trung Quốc đang rầm rộ xây các đảo nhân tạo gần đó.

Tàu BRP Sierra Madre hầu như mục nát sau nhiều năm nằm tại Bãi Cỏ Mây (Ảnh: CBS)
Tàu BRP Sierra Madre hầu như mục nát sau nhiều năm nằm tại Bãi Cỏ Mây (Ảnh: CBS)

Thông tin được hai quan chức hải quân Philippines tiết lộ với báo giới. Theo đó, công việc đã được triển khai từ cuối năm ngoái, với nhiều tàu cá và bè nhỏ được sử dụng để vận chuyển xi măng, thép, dây cáp cùng thiết bị hàn lên tàu BRP Sierra Madre, bất chấp sự truy cản của tàu tuần tra bờ biển Trung Quốc.

BRP Sierra Madre là chiếc tàu đổ bộ dài 100m từng thuộc biên chế của hải quân Mỹ trong Thế chiến II. Tàu sau đó được chuyển cho Philippines và hải quân nước này đã cố ý cho tàu lao vào Bãi Cỏ Mây, mắc cạn tại đây và biến nó thành một tiền đồn đóng quân, phục vụ tuyên bố chủ quyền của Manila trong khu vực quần đảo Trường Sa.

Hiện có một đơn vị nhỏ binh sỹ Philippines vẫn đang đóng quân trên tàu này.

Theo một quan chức hải quân, Trung Quốc vẫn đang “chờ cho con tàu mục ra” nhưng Philippines đang “làm tất cả những gì có thể để giữ cho tàu trụ vững”. Người này cho biết thêm công việc dù tiến triển chậm chạp nhưng sẽ hoàn tất trước cuối năm nay.

Một sỹ quan hải quân khác thì tiết lộ, do thời tiết nắng nóng, công việc hàn gia cố tàu thường diễn ra trong đêm. Một nền bê tông cũng được đúc bên trong thân tàu để giữ cho tàu ổn định.

Nằm cách không xa Bãi Cỏ Mây về phía Tây là bãi đá Vành Khăn, một trong 7 kết cấu san hô thuộc quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc đang nhanh chóng biến thành các đảo nhân tạo. Bắc Kinh từng ngang nhiên tuyên bố những địa điểm này sẽ phục vụ các mục đích quân sự và dân sự của nước này.

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Philippines Charles Jose từ chối bình luận về thông tin tàu BRP Sierra Madre đang được gia cố. Nhưng ông này cho rằng nếu có diễn ra thì công việc này không vi phạm Tuyên bố chung về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), được ký giữa Trung Quốc và ASEAN năm 2002.

“Theo quan điểm của chúng tôi, việc sửa chữa, duy tu các thiết bị hiện có là được phép…nhất là khi công việc sửa chữa, duy tu đó nhằm đảm bảo an toàn cho nhân sự của chúng tôi và an toàn hàng hải”, ông Jose cho biết thêm.

Ngoài vai trò là một tiền đồn quân sự, BRP Sierra Madre trên danh nghĩa là một tàu hải quân đang phục vụ trong hải quân Philippines. Điều đó có nghĩa là nước này có thể yêu cầu Mỹ hỗ trợ trong trường hợp tàu bị tấn công, theo các điều khoản trong một hiệp ước an ninh được ký giữa hai nước nhiều thập niên trước, một số quan chức quân đội Philippines cho biết.

“Cho dù nó có bị phủ kín bởi rỉ sét, nó vẫn là một tàu hải quân trong biên chế đang làm nhiệm vụ. Đó là biểu tượng cho chủ quyền của chúng tôi”, một tướng quân đội Philippines tuyên bố.

Thanh Tùng
Tổng hợp
 

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp cho chuyên mục Thế giới, quý độc giả có thể gửi đến ban Quốc tế báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email thegioi@dantri.com.vn. Xin trân trọng cảm ơn!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm