1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Phi công Mỹ tiết lộ chuyện vội vã tìm "mắt thần" khi Iran nã tên lửa

(Dân trí) - Ít phút sau khi loạt tên lửa của Iran bắt đầu tấn công căn cứ không quân Ain al-Asad tại Iraq, các binh sĩ Mỹ tại cơ sở giữa sa mạc này đã mất liên lạc với các “mắt thần” uy lực và đắt đỏ trên bầu trời.

Phi công Mỹ tiết lộ chuyện vội vã tìm mắt thần khi Iran nã tên lửa - 1

Căn cứ không quân Ain al-Asad bị hư hại nhìn từ trên cao sau vụ nã tên lửa của Iran (Ảnh: Reuters)

Cảnh tan hoang của căn cứ Mỹ tại Iraq sau khi bị Iran tấn công tên lửa

Vào thời điểm vụ tấn công bằng tên lửa của Iran diễn ra vào lúc 1h35 sáng ngày 8/1, quân đội Mỹ đang điều khiển 7 máy bay không người lái (UAV) đắt đỏ trên bầu trời Iraq để canh phòng các căn cứ, nơi các lực lượng liên quân do Mỹ đứng đầu được triển khai.

Trong đội UAV đó các MQ-1C Gray Eagle, dòng máy bay do thám hiện đại có thể bay liên tục 27 giờ và mang tới 4 tên lửa Hellfire.

“Chúng tôi nghĩ rằng có thể xảy ra một vụ tấn công trên mặt đất, nên chúng tôi đã duy trì các máy bay trên không”, một trong các phi công, Thượng sĩ Costin Herwig, 26 tuổi, cho biết.

Herwig đang điều khiển một chiếc Gray Eagle khi tên lửa đầu tiên của Iran nã vào căn cứ, trả đũa việc Washington ám sát tướng cấp cao Qassem Soleimani trong một vụ tấn công bằng máy bay do thám của Mỹ ở Baghdad 5 ngày trước đó.

Hầu hết trong số 1.500 binh sĩ Mỹ đã được đưa xuống hầm trú ẩn trong 2 giờ, sau khi có cảnh báo từ các quan chức.

Nhưng 14 phi công vẫn ở trong các buồng điều khiển trông giống các công-ten-nơ để vận hành các "chim sắt" và giám sát các dữ liệu quan trọng thu được từ các camera công nghệ cao gắn trên các UAV này.

Phi công Mỹ tiết lộ chuyện vội vã tìm mắt thần khi Iran nã tên lửa - 2

Hình vẽ một máy bay do thám tại căn cứ Ain al-Asad (Ảnh: Reuters)

Tên lửa đầu tiên bắn trúng căn cứ và phát nổ đã khiến bụi bay mù mịt vào khoang điều khiển của họ nhưng các phi công vẫn không rời vị trí, Herwig kể lại. Các đợt tên lửa kế tiếp rơi càng gần họ hơn và một binh sĩ thừa nhận anh đành “phó mặc cho số phận”.

“Chúng tôi đã nghĩ thế là xong rồi”, anh nói.

Nhưng cuộc khủng hoảng thực sự chỉ diễn ra sau đó.

Iran nã tên lửa suốt 3 giờ

Các tên lửa, trong cuộc tấn công mà các binh sĩ nói là kéo dài suốt 3 giờ, đã rơi trúng khu nhà nghỉ nằm ngay cạnh các phòng hoạt động của các phi công.

“Chỉ khoảng 1 phút sau đợt tên lửa cuối cùng, tôi chạy về phía các hầm trú ẩn ở khu vực xa phía sau và nhìn thấy lửa thiêu cháy toàn bộ các cáp quang của chúng tôi”, Thượng sĩ First Wesley Kilpatrick miêu tả.

Các cáp quang đó kết nối các buồng lái ảo với ăng-ten và tiếp đó là vệ tinh, cho phép gửi các tín hiệu tới máy bay không người lái Gray Eagle và đưa thông tin thu thập được từ camera của máy bay về các màn hình tại căn cứ Ain al-Asad.

Phi công Mỹ tiết lộ chuyện vội vã tìm mắt thần khi Iran nã tên lửa - 3

Một khu vực của căn cứ Ain al-Asad bị phá hủy nghiêm trọng sau vụ tấn công của Iran (Ảnh: Reuters)

“Khi các cáp quang bị cháy hết, không còn sự kiểm soát nào cả (đối với các UAV)”, Kilpatrick nói.

Các binh sĩ không thể định vị được các máy bay do thám và không nắm được các diễn biến trên không cũng như trên mặt đất.

Ví dụ, nếu một máy bay do thám bị bắn hạ, các nhóm binh sĩ đang trú ẩn tại các boong-ke ở căn cứ Ain al-Asad không thể biết.

“Đó là một vấn đề khá lớn. Vì các UAV rất đắt và mang rất nhiều thứ trên đó nên chúng tôi không muốn ai hay đối thủ nào có được nó”, Herwig nói thêm.

Mỗi chiếc Gray Eagle có giá khoảng 7,4 triệu USD, theo ước tính ngân sách quốc phòng năm 2019. Chúng đã được liên quân do Mỹ dẫn đầu sử dụng tại Iraq kể từ ít nhất năm 2017 trong cuộc chiến chống nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo.

Liên quân phải được chính phủ Iraq “bật đèn xanh” để vận hành các UAV và máy bay, nhưng lệnh cho phép đã hết hiệu lực vài ngày trước vụ tấn công của Iran. Một quan chức quân đội Mỹ cấp cao tiết lộ rằng, mặc dù vậy, quân đội Mỹ vẫn cho bay các UAV để đề phòng sau các vụ tấn công bằng rocket liên tiếp diễn ra trong nhiều tháng nhằm vào các căn cứ của Iraq có binh sĩ Mỹ đồn trú.

Khi tên lửa rơi càng gần vào rạng sáng ngày 8/1 và các UAV bị mất liên lạc, các phi công cuối cùng cũng phải vào hầm trú ẩn. Nhưng ngay sau khi vụ tấn công kết thúc, họ phải trở lại làm việc ngay tức thì và đối mặt với một nhiệm vụ khẩn cấp nhằm bắt lại tín hiệu của các UAV để định vị và cho chúng hạ cánh.

Khi trời tờ mờ sáng, các binh sĩ đã khẩn trương thay thế 500m cáp quang bị cháy và cài lại các vệ tinh để chúng có thể kết nối với các UAV đang lơ lửng trên bầu trời.

Các tên lửa đạn đạo của Iran đã gây ra những lỗ thủng lớn trên đường băng của căn cứ Ain al-Asad và tháp điều khiển bị bỏ trống.

“Đường băng bị đóng, vì vậy chúng tôi phải hạ cánh mà không được kết nối với bất kỳ ai. Chúng tôi không biết các máy bay khác ở đâu. Việc đó rất căng thẳng”, phi công Herwig nói.

Phi công Mỹ tiết lộ chuyện vội vã tìm mắt thần khi Iran nã tên lửa - 4

Các binh sĩ Mỹ kiểm tra các thiệt hại tại căn cứ Ain al-Asad sau vụ nã tên lửa của Iran (Ảnh: Reuters)

Ưu tiên là một chiếc Grey Eagle vốn dự kiến hạ cánh ngay khi vụ tấn công tên lửa xảy ra, và vẫn bay trong suốt thời xảy ra vụ việc cho tới khi cạn nhiên liệu.

Các phi công đã làm việc trong những giờ sau đó để hạ cánh từng chiếc UAV an toàn. Họ càng phải nỗ lực hơn trong khi các binh sĩ khác trở lại hoạt động thường nhật, phục hồi, tắm rửa và đánh giá thiệt hại.

Vào khoảng 9 giờ sáng cùng ngày, chiếc UAV cuối cùng đã được điều khiển tiếp đất an toàn.

“Chúng tôi đã đưa tất cả các máy bay trở lại căn cứ an toàn”, Kilpatrick nói, mỉm cười với vẻ nhẹ nhõm và tự hào.

An Bình

Theo AFP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm