1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

"Phép thử" sớm của Trung Quốc với chính quyền Biden

Minh Phương

(Dân trí) - Trung Quốc đã điều hai phi đội máy bay chiến đấu áp sát Đài Loan, không lâu sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên thệ nhậm chức.

Phép thử sớm của Trung Quốc với chính quyền Biden - 1
Một máy bay chiến đấu F-16 của Đài Loan và một máy bay ném bom Xian H-6 của Trung Quốc. (Ảnh: Taiwan News)

Cơ quan phòng vệ Đài Loan ngày 23/1 cho biết, 13 máy bay của quân đội Trung Quốc đã đi vào khu vực phía tây nam Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của hòn đảo này. Bất chấp cảnh báo, một ngày sau đó, Trung Quốc tiếp tục điều 15 máy bay quân sự đi vào khu vực này. Cũng theo cơ quan phòng vệ Đài Loan, trong năm qua, các máy bay quân sự Trung Quốc đã hơn 380 lượt đi vào ADIZ của hòn đảo.

Mặc dù tần suất các chuyến bay diễn tập của quân đội Trung Quốc gần Đài Loan tăng lên những năm gần đây, dựa vào tính chất và thời điểm đợt tiếp cận diễn ra hai ngày cuối tuần, giới quan sát cho rằng đó dường như là cách Trung Quốc gửi thông điệp đến chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden. Một số chuyên gia gọi đây là "phép thử" của Trung Quốc với chính quyền mới của Tổng thống Joe Biden, sau khi chính quyền ông Biden có những dấu hiệu duy trì sự ủng hộ Đài Loan.

Thực tế, một tín hiệu đầu tiên cho thấy sự ủng hộ của chính quyền ông Biden với Đài Loan là việc nhà ngoại giao Đài Loan Hsiao Bi-khim được mời dự lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Biden hồi tuần trước. Đây là lần đầu tiên một đại diện của Đài Loan nhận được lời mời như vậy kể từ năm 1979. Đáp lại động thái đó của chính quyền mới của Mỹ, ngay trong ngày ông Biden tuyên thệ nhậm chức, Trung Quốc đã thông báo các lệnh trừng phạt 28 quan chức dưới thời cựu Tổng thống Trump.

Về phía Washington, chính quyền của ông Biden cũng phản hồi bằng những thông điệp cứng rắn. Trong thông cáo phát đi hôm 23/1, chính quyền của ông Biden hối thúc Bắc Kinh ngừng đe dọa Đài Loan, đồng thời cam kết hỗ trợ chính quyền hòn đảo này. "Chúng tôi hối thúc Bắc Kinh ngừng gây sức ép quân sự, ngoại giao và kinh tế với Đài Loan, thay vào đó hãy đối thoại hiệu quả với các đại diện của Đài Loan", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói.

Mỹ, cũng giống như hầu hết quốc gia khác, chỉ có quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Quốc đại lục, không có quan hệ chính thức với Đài Loan kể từ năm 1979. Mặc dù vậy, Washington vẫn duy trì quan hệ không chính thức và bán vũ khí cho hòn đảo này.

Ngoài ủng hộ Đài Loan, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Price cũng cho biết, Washington sẽ ủng hộ các đồng minh và bạn bè ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng các hành động quân sự trong khu vực.

Cuối tuần qua, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ xác nhận nhóm tác chiến tàu sân bay Theodore Roosevelt của Hải quân Mỹ đã đi vào Biển Đông hôm 23/1 để tiến hành hoạt động đảm bảo tự do trên biển, xây dựng quan hệ đối tác thúc đẩy an ninh hàng hải. Nhóm tác chiến bao gồm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, phi đoàn Carrier Air Wing 11, tàu tuần dương USS Bunker Hill, đội tàu khu trục 23 cùng các tàu khu trục USS Russell và USS John Finn. Đây là đợt triển khai đầu tiên của nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ ở Biển Đông dưới thời Tổng thống Biden. Năm ngoái, Mỹ đã hai lần điều cùng lúc hai tàu sân bay đến Biển Đông, điều chưa từng có tiền lệ trong vòng 6 năm qua.