1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Phát hiện vật thể khả nghi, Indonesia dốc toàn lực tìm tàu ngầm mất tích

Minh Phương

(Dân trí) - Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã ra lệnh dốc toàn lực để tìm kiếm tàu ngầm hải quân chở 53 người mất tích khi con tàu sắp cạn dưỡng khí.

Phát hiện vật thể khả nghi, Indonesia dốc toàn lực tìm tàu ngầm mất tích - 1

Tàu ngầm KRI Nanggala-402 của hải quân Indonesia (Ảnh: Getty).

"Tôi đã ra lệnh cho tư lệnh quân đội, tham mưu trưởng hải quân, cơ quan tìm kiếm cứu hộ và các cơ quan khác triển khai toàn lực với nỗ lực tối đa nhằm tìm kiếm và cứu hộ thủy thủ đoàn", Reuters dẫn lời Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 22/4. Ông Widodo nhấn mạnh: "Ưu tiên hàng đầu là sự an toàn của 53 thành viên thủy thủ đoàn".

Mệnh lệnh được đưa ra trong bối cảnh Indonesia đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm và giải cứu tàu ngầm KRI Nanggala-402 của hải quân nước này. Con tàu mất tích ở vị trí cách Bali khoảng 95km vào rạng sáng ngày 21/4 khi đang tham gia một cuộc diễn tập phóng ngư lôi.

Hiện tại có 21 tàu, 5 máy bay và 2 tàu ngầm tham gia chiến dịch tìm kiếm. Một số nước cũng đã lên tiếng sẵn sàng hỗ trợ tìm kiếm, cứu hộ, trong đó tàu cứu hộ của Malaysia và Singapore đã khởi hành đến Indonesia.

Tham mưu trưởng Hải quân Indonesia Yudo Margono cho biết, biển lặng tạo điều kiện thuận lợi cho chiến dịch tìm kiếm, tuy nhiên, điều đáng lo ngại là dưỡng khí trên tàu ngầm mất tích ước tính chỉ còn đủ dùng đến sáng ngày 24/4. "Hy vọng chúng tôi sẽ tìm thấy con tàu trước khi dưỡng khí cạn kiệt", ông Margono nói tại một cuộc họp báo hôm nay.

Phát hiện vật thể chưa xác định có từ tính

Phát hiện vật thể khả nghi, Indonesia dốc toàn lực tìm tàu ngầm mất tích - 2

Vị trí tàu ngầm mất tích (Đồ họa: AFP).

Quan chức này cho biết thêm, ngoài phát hiện các vệt dầu loang ở một số vị trí khác nhau, lực lượng tìm kiếm còn phát hiện một vật thể chưa xác định có từ tính cao lơ lửng ở độ sâu khoảng 50-100m.

"Tàu hải quân KRI Rigel đang được điều động đến để trục vớt vật thể. Đó có thể là mảnh vỡ của KRI Nanggala", một quan chức quân đội Indonesia cho hay.

Về các vệt dầu loang, ông Margono cho biết, nếu đó là dầu từ tàu ngầm KRI Nanggala-402 thì có hai khả năng, hoặc là dầu rò rỉ khi tàu lặn quá sâu, hoặc tàu xả bớt nhiên liệu với hy vọng nổi lên trên mặt nước.

Theo lời phát ngôn viên Hải quân Indonesia Julius Widjojono, tàu ngầm KRI Nanggala-402 có khả năng lặn sâu tới 500m, nhưng giới chức nước này đánh giá con tàu có thể đã lặn sâu tới 700m. Ở độ sâu 700m, con tàu có thể vỡ tung do sức ép. Ngay cả trong trường hợp con tàu còn nguyên vẹn, thì một thách thức nữa đặt ra là các hệ thống cứu hộ chỉ hoạt động và hoạt động hiệu quả ở độ sâu khoảng 600m.

"Hầu hết các hệ thống cứu hộ tàu ngầm chỉ có thể hoạt động ở độ sâu khoảng 600m. Chúng có thể lặn xuống sâu hơn, do có biên độ an toàn trong thiết kế, song các thiết bị như máy bơm hay những hệ thống liên quan có khả năng không hoạt động. Các phương tiện cứu hộ có thể lặn xuống độ sâu đó, nhưng chưa chắc đã vận hành được", Frank Owen, một chuyên gia của Viện nghiên cứu tàu ngầm Australia, nhận định.

Chuyên gia này cho biết, tàu ngầm Indonesia không có thiết kế cửa thoát hiểm đặc biệt cho phép thủy thủ đoàn thoát sang một con tàu khác trong kịch bản một cuộc giải cứu dưới nước. "Hệ thống duy nhất mà họ có là buộc con tàu phải nổi lên mặt nước, và thủy thủ thoát ra ngoài khi tàu đã nổi, hoặc khi tàu ở độ sâu không quá 180m, thủy thủ đoàn có thể mặc một trang phục bảo hộ đặc biệt và từ đó có thể bơi lên mặt nước", ông Owen nói.

Cho dù là kịch bản nào, các chuyên gia nhận định, cơ hội tìm thấy thủy thủ đoàn của tàu ngầm Indonesia là rất mong manh.