Phát hiện dấu vết kinh ngạc về sóng thần chết chóc ở Indonesia dưới đáy biển
(Dân trí) - Các nhà khoa học đã phát hiện dấu vết đáng kinh ngạc có thể lý giải cho quy mô phá hủy bất thường của trận sóng thần ở thành phố Palu trên đảo Sulawesi, Indonesia hồi cuối tháng 9 khiến hơn 2.000 người thiệt mạng.
Một trận động đất mạnh 7,8 độ Richter tấn công Sulawesi hôm 28/9 đã kéo theo các đợt sóng thần lớn, khiến hơn 2.000 người ở Sulawesi thiệt mạng, trong đó thành phố Palu hứng hậu quả nặng nề nhất. Mức độ tàn phá của trận sóng thần này cũng khiến giới khoa học khó lý giải.
Tuy nhiên, một khảo sát được tiến hành ở vùng vịnh gần đảo Sulawesi đã giúp các nhà khoa học phần nào lý giải được. Theo đó, các nhà khảo sát đã phát hiện ra một vết lún trên bề mặt đáy biển ở đây và vết lún này có thể là do sự chuyển động đột ngột của nước biển gây ra.
Động đất xảy ra khi các phần khác nhau của vết nứt vỏ trái đất đứt gãy và xê dịch. Thông thường động đất dạng này không gây nên sóng thần lớn, song nó lại đã xảy ra trong thảm họa kép ở Sulawesi hôm 28/9. Cơ quan khí tượng Indonesia đã phát hiện 2 đợt sóng lớn, đợt thứ hai lớn hơn và đi sâu 400m vào đất liền.
Ông Udrekh Al Hanif thuộc Cơ quan Đánh giá và Ứng dụng Công nghệ Indonesia, cho rằng nguồn gây nên sóng thần dường như rất gần thành phố Palu bởi từ lúc động đất đến khi sóng thần dâng lên chỉ chưa đầy 3 phút.
Ông và các đồng nghiệp đã tập trung phân tích dữ liệu thông qua bản đồ độ sâu của vùng vịnh gần Palu. Họ đã phát hiện đáy vịnh bị lún xuống trong động đất. Các chuyên gia cho rằng, yếu tố này cùng với sự dịch chuyển đột ngột của vỏ trái đất theo hướng bắc có thể là nguyên nhân dẫn đến sóng thần lớn.
(Đồ họa: BBC)
Trận động đất mạnh 7,8 độ richter và sóng thần cao từ 3-6 mét đã cướp đi sinh mạng của gần 2.100 người, khoảng 2.500 người khác bị thương và hơn 70.000 người mất nhà cửa trên đảo Sulawesi của Indonesia hôm 28/9.
Hầu hết những người thiệt mạng ở thành phố Palu, cách thủ đô Jakarta khoảng 1.500 km về phía đông bắc. Các khách sạn, trung tâm mua sắm bị hư hại nặng và một số khu dân cư bị đất hóa lỏng nuốt chửng. Giới chuyên gia cho rằng độ hẹp của vịnh Palu, vốn chỉ rộng 2km, có thể đã khiến sóng thần bị "khuếch đại" trong khi nó tiến về phía thành phố.
Minh Phương
Theo BBC