Pháp hối thúc EU lập đội tuần tra chung tại Biển Đông
(Dân trí) - Pháp đang hối thúc các nước thành viên trong Liên minh châu Âu (EU) thành lập đội tuần tra hàng hải chung ở Biển Đông trong bối cảnh những căng thẳng tại vùng biển này đang có xu hướng gia tăng sau phán quyết của tòa trọng tài quốc tế hồi tháng trước.
Chính phủ Pháp đang thúc giục 27 nước thành viên của EU, đặc biệt là Đức và Anh (dù London đã quyết định rời khỏi liên minh), phối hợp cùng nhau trong việc tiến hành các cuộc tuần tra hàng hải chung ở Biển Đông nhằm đảm bảo sự hiện diện “rõ ràng và thường xuyên” tại vùng biển này.
Theo đó, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian khẳng định Pháp sẽ tiếp tục cho tàu hải quân và máy bay tới bất kỳ nơi nào luật quốc tế cho phép cũng như bất kỳ nơi nào có thực tế đòi hỏi điều đó.
Chính phủ Pháp nhấn mạnh bảo vệ tự do hàng hải là điều mang ý nghĩa sống còn khi nhìn từ góc độ kinh tế. Nếu Pháp để mất đi quyền này ở Biển Đông, nó có thể dẫn tới những vấn đề tương tự như ở Bắc Cực hoặc Địa Trung Hải.
“Nếu chúng ta muốn kiềm chế nguy cơ xảy ra xung đột, chúng ta phải bảo vệ quyền này và chính chúng ta sẽ bảo vệ nó”, người đứng đầu Bộ Quốc phòng Pháp khẳng định.
Các tàu của Hải quân Pháp dự kiến sẽ bắt đầu tuần tra tại Biển Đông sớm nhất trong năm nay, khi chính quyền của Tổng thống Francois Hollande đang mong muốn các nước duy trì một trật tự thế giới dựa trên luật pháp quốc tế. Theo đó, các tàu khu trục hộ tống, xương sống của hạm đội hải quân Pháp, dự kiến sẽ dẫn đầu đội tuần tra của Pháp tại Biển Đông. Hải quân Pháp hiện có 26 tàu hộ tống được trang bị các vũ khí đối đất, đối không và chống tàu ngầm.
EU gần đây cũng đã lên tiếng hối thúc các nước có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, trong đó có Trung Quốc, giải quyết hòa bình các tranh chấp, đồng thời kêu gọi tiếp tục thực thi quyền tự do hàng hải tại vùng biển này.
Động thái trên của Pháp và EU diễn ra sau khi Tòa trọng tài thường trực theo Phụ lục VII Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 ra phán quyết về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc liên quan tới yêu sách “đường chín đoạn” phi lý do Bắc Kinh tự ý vẽ ra trên Biển Đông. Ngày 12/7, tòa đã ra phán quyết cuối cùng, bác bỏ yêu sách trên của Trung Quốc và quyết định này của tòa đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía Bắc Kinh.
Thành Đạt
Tổng hợp