1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Phần Lan cảnh báo xung đột Nga - Ukraine có thể thành Chiến tranh Lạnh mới

Thành Đạt

(Dân trí) - Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan cảnh báo nếu phương Tây không tăng cường sản xuất đạn dược, xung đột ở Ukraine có thể trở thành "một kiểu Chiến tranh Lạnh mới".

Phần Lan cảnh báo xung đột Nga - Ukraine có thể thành Chiến tranh Lạnh mới - 1

Nga và NATO có nguy cơ bước vào cuộc Chiến tranh Lạnh mới (Ảnh minh họa: Sky).

"Tôi nghĩ nhiều nước phương Tây đang cho rằng đây chỉ là một vấn đề ngắn hạn. Nhiều người đánh giá quá cao rằng phương Tây đang thắng trong chuyện này và Ukraine đang thắng", Politico dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan Antti Hakkanenn phát biểu hồi đầu tuần.

"Nga có năng lực và khả năng tiếp tục cuộc chiến này trong nhiều năm", ông Hakkanenn nói, đề cập đến khả năng sản xuất vũ khí và tuyển tân binh của Moscow.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu, các nhà máy của Nga đang sản xuất số đạn pháo gấp 17,5 lần so với thời điểm bắt đầu cuộc xung đột với Ukraine.

"Bây giờ tôi nghĩ rằng, ở Mỹ và các nước NATO, hầu hết mọi người đều biết đây là sự kết thúc của giai đoạn 30 năm (kể từ khi Liên Xô sụp đổ). Bây giờ chúng ta đang bước vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới", Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan nhận định.

Các quan chức phương Tây khác cũng tỏ ra không mấy lạc quan, trong đó Tổng thống Séc Petr Pavel tuyên bố hồi đầu tuần rằng, năm 2024 sẽ ghi nhận "một số diễn biến đáng kể" trong cuộc xung đột tại Ukraine.

"Các dấu hiệu cho đến nay cho thấy, cuộc chiến này sẽ không diễn ra như chúng ta mong muốn", ông Pavel cảnh báo.

"Chúng ta phải chuẩn bị cho những tin xấu. Các cuộc chiến diễn ra theo từng giai đoạn, nhưng chúng ta phải sát cánh cùng Ukraine trong những thời điểm thuận lợi cũng như khó khăn", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố hồi đầu tháng, đồng thời nói thêm rằng "việc tăng cường sản xuất đạn dược có tầm quan trọng mang tính quyết định".

Vào tháng trước, Phần Lan, quốc gia mới gia nhập NATO hồi tháng 4, tuyên bố sẽ tăng gấp đôi sản lượng đạn pháo cho Ukraine, nhưng không tiết lộ chính xác số lượng sẽ được sản xuất và thời gian sản xuất.

Các quan chức ở Kiev từ lâu đã phàn nàn về tình trạng thiếu đạn pháo và cho rằng điều này đã làm trì hoãn thời điểm bắt đầu cuộc phản công mùa hè, từ đó giúp Nga có thời gian xây dựng tuyến phòng thủ vững chắc.

Theo quan chức Nga, bắt đầu từ tháng 6, Ukraine đã cố gắng chọc thủng phòng tuyến của Nga nhưng tới nay chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. Phía Nga nói Ukraine đã chịu thương vong khoảng 160.000 quân trong cuộc phản công.

Tổng thống Ukraine Zelensky cũng thừa nhận tình trạng thiếu đạn dược.

Dẫn lời quan chức Ukraine, ABC News đưa tin vào cuối tháng 11 rằng kể từ khi bắt đầu chiến sự, số lô hàng vũ khí tiêu chuẩn NATO được giao từ Mỹ đã giảm "hơn 30%".

Giới chức phương Tây dường như lo ngại về việc Nga gia tăng sản xuất đạn pháo sẽ khiến nỗ lực phản công của Ukraine trở nên thách thức hơn nữa. Ukraine hiện phụ thuộc phần lớn vào đạn dược do phương Tây viện trợ khi kho vũ khí từ thời Liên Xô đang cạn dần.

Theo ước tính từ các nguồn tin của Mỹ và Ukraine vào năm ngoái, lực lượng Nga đã duy trì lợi thế về pháo binh kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột, bắn số lượng đạn pháo mỗi ngày nhiều hơn từ 3 đến 10 lần so với Ukraine. Với tình trạng thiếu hụt ngày càng trầm trọng vào đầu năm nay, phía Mỹ bắt đầu hướng dẫn binh sĩ Ukraine thay đổi chiến thuật để tiết kiệm đạn dược.

Theo RT