1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Phác thảo chiến lược an ninh hàng hải của chính quyền Donald Trump

(Dân trí) - Trong chiến dịch tranh cử, ông Donald Trump từng cam kết nếu đắc cử sẽ tăng cường sức mạnh hải quân Mỹ. Thông qua những tuyên bố của tỷ phú này và một nhân vật được dự đoán có thể được đề cử vào vị trí tân Bộ trưởng Hải quân Mỹ, chiến lược an ninh hàng hải của chính quyền sắp tới ở Washington được cho là sẽ có sự thay đổi so với chính quyền tiền nhiệm.

Tổng thống đắc cử Donald Trump (Ảnh: Yahoo)
Tổng thống đắc cử Donald Trump (Ảnh: Yahoo)

Tổng thống đắc cử Donald Trump chú trọng sức mạnh hải quân

Khi tranh cử, ông Trump cam kết sẽ tăng cường sức mạnh quân sự của Mỹ, đặc biệt là hải quân.

Theo trang USNI News của Học viện hải quân Mỹ, trong diễn văn tranh cử đọc hồi đầu tháng 9 tại Philadelphia, ông Trump từng khẳng định ở ngay phần mở đầu rằng Mỹ cần có sức mạnh quân sự. "Lịch sử cho thấy khi Mỹ không sẵn sàng là lúc nguy hiểm nhất. Chúng ta cần tăng cường sức mạnh quân sự để ngăn chặn, tránh né và phòng ngừa xung đột”.

Ông Trump cho rằng sức mạnh quân sự của Mỹ sẽ đạt được thông qua việc tăng cường năng lực của Hải quân và Thủy quân lục chiến. Thủy quân lục chiến Mỹ hiện gồm 182.000 binh lính để hỗ trợ 24 tiểu đoàn bộ binh và sẽ được phát triển thành 36 tiểu đoàn trong thời gian tới. Tổng thống đắc cử Trump gọi đó là yêu cầu tối thiểu để đối phó với những tình huống nghiêm trọng.

Cũng trong bài diễn thuyết trên, ông Trump cho biết đối với Hải quân Mỹ, ông mong muốn một lực lượng gồm 350 tàu chiến, so với mục tiêu hiện nay là 308. Lực lượng hải quân lớn mạnh này sẽ đặt trọng tâm vào phòng thủ tên lửa đạn đạo. Bên cạnh đó, tỷ phú New York kêu gọi hiện đại hóa tất cả 22 tàu tuần dương mà ông gọi là "nền tảng của năng lực phòng thủ tên lửa Mỹ ở châu Âu, châu Á và Trung Đông”. Việc nâng cấp mỗi tàu thành hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis mới nhất sẽ tốn khoảng 220 triệu USD.

Ông Trump từng cho biết, nếu đắc cử, trong những năm tới ông ủng hộ “mua tàu khu trục hiện đại được thiết kế để xử lý các nhiệm vụ phòng thủ tên lửa”. Hiện mỗi năm, hải quân Mỹ mua 2 tàu khu trục. Ông còn nói sẽ đề nghị Quốc hội loại bỏ hoàn toàn biện pháp khống chế ngân sách quốc phòng, để có tiền chi cho kế hoạch tăng cường năng lực quân sự. Biện pháp này vẫn có hiệu lực đến hết năm 2023, trừ khi Quốc hội hành động để bãi bỏ.

Lập trường của ứng cử viên cho vị trí Bộ trưởng Hải quân Mỹ

Ông Randy Forbes (Ảnh: WP)
Ông Randy Forbes (Ảnh: WP)

Randy Forbes, Chủ tịch Tiểu ban Hải Lực trong Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ từ năm 2012, đang là ứng viên sáng giá cho vị trí Bộ trưởng Hải quân.

Nếu ông Trump cam kết sẽ tăng cường sức mạnh quân sự của Mỹ, nhưng không cho biết chi tiết về cách tiếp cận của ông ở Biển Đông (nơi mỗi năm có khoảng trên 5.000 tỷ USD hàng hóa đi qua, trong đó 1,2 nghìn tỷ USD là giao dịch với Mỹ), thì ông Randy Forbes từng nói cụ thể là ông rất quan tâm đến việc tăng cường hạm đội Hải quân và đưa sức mạnh Mỹ đến khu vực này.

Theo USNI News, gần đây nhất là vào tháng 9, trong một phiên điều trần về Biển Đông, Forbes cho rằng quân đội Mỹ cần có thái độ mạnh mẽ hơn ở khu vực này: “Dù tán thành rất ít chính sách đối ngoại của chính quyền hiện nay (của Tổng thống Barack Obama), nhưng tôi thấy họ đúng khi có khuynh hướng dành nhiều nguồn lực và sự chú ý đến khu vực Ấn Độ-Châu Á-Thái Bình Dương. Cần nhiều hơn lời nói để tạo nên sự đối trọng với sức mạnh ngày càng tăng và thái độ quyết đoán của Trung Quốc".

Năm ngoái, ông Forbes cùng các nghị sĩ trong Ủy ban Quân vụ Hạ viện đã ký vào thư gửi Tổng thống và Bộ trưởng Quốc phòng, kêu gọi có lập trường mạnh mẽ hơn trong vùng Biển Đông, “để tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực quan trọng này và gia tăng hoạt động tự do hàng hải của chúng ta ở những vùng biển tranh chấp”.

Navy Times dẫn thống kê của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết, trong năm 2016 đã có sự gia tăng đáng kể trong thời gian tàu chiến Mỹ hoạt động ở Biển Đông.

Đối với quy mô Hải quân, ông Forbes đã không giấu giếm mong muốn tăng số lượng tàu chiến, tàu ngầm, tàu đổ bộ, và tăng cường khả năng thông qua nâng cấp hệ thống vũ khí.

"Hải quân sẽ luôn đáp lại kêu gọi của đất nước," ông nói trong một phiên điều trần hồi tháng 5. “Bằng cách tăng cường đóng mới và duy trì cơ cấu lực lượng hiện có, tôi tin rằng chúng ta sẽ đi những bước đầu tiên hướng tới mục tiêu 350 tàu hải quân mà đất nước của chúng ta thực sự cần cho quốc phòng."

Ông Dean Cheng, một chuyên gia về Trung Quốc tại tổ chức Heritage ở thủ đô Washington, rất quan tâm dõi theo chính sách an ninh trên biển của chính quyền mới. Ông nói: “Chính sách đối ngoại của ông Trump dường như chỉ mới trong giai đoạn phôi thai, vì vậy sẽ phụ thuộc nhiều vào việc ông bổ nhiệm những nhân vật nào. Chúng ta vẫn phải chờ xem”.

Tuệ An

Tổng hợp